Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NƯỚC MẶT
Môi trường nước mặt bao gồm nước hồ ao, đồng ruộng, nước các sông suối, kênh rạch. Nguồn nước các sông và kênh chứa nước thải, các hồ khu vực đô thị, khu công nghiệp và đồng ruộng lúa nước là những nơi thường có mức độ ô nhiễm cao. Nguồn gây ra ô nhiễm nước mặt là các khu dân cư tập trung như thành phố, thị trấn, các hoạt động công nghiệp khai thác mỏ, sản xuất nhiệt điện, cơ khí luyện kim, giao thông thủy và sản xuất nông nghiệp. Các dạng ô nhiễm nước mặt thường gặp là: chất hữu cơ, vô cơ, các chất gây phú dưỡng, ô nhiễm kim loại nặng, hóa chất độc hại, ô nhiễm vi sinh vật và ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.
Phú dưỡng và sự suy giảm chất lượng các nguồn nước: Phú dưỡng là sự gia tăng hàm lượng nitơ và photpho trong lượng nước chảy vào các thủy vực, gây sự tăng trưởng của các loại thực vật bậc thấp (rong, tảo...). Nó tạo ra những biến đổi lớn trong hệ sinh thái nước, làm giảm ôxy trong nước. Do đó làm chất lượng nước bị suy giảm và ô
Ô nhiễm kim loại nặng và các chất nguy hại khác: Thường gặp trong các lưu vực nước gần khu công nghiệp, khu vực khai thác khoáng sản, các thành phố lớn. Ô nhiễm kim loại nặng và các chất nguy hại khác có tác động rất trầm trọng tới hoạt động sống của con người và sinh vật. Kim loại nặng và các chất nguy hại khác chậm phân hủy sẽ tích lũy theo chuỗi thức ăn vào cơ thể động vật và người. Nguồn nước mặt bị ô nhiễm kim loại nặng và các chất nguy hại khác sẽ kéo theo ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm không khí... Để hạn chế ô nhiễm kim loại nặng và tác hại của nó cần quản lý chặt chẽ các nguồn thải, quản lý tốt sản phẩm nuôi trồng trong môi trường ô nhiễm như: cá, rau xanh...
Ô nhiễm vi sinh vật nguồn nước mặt: Thường gặp ở các vực nước nhận nước thải sinh hoạt, đặc biệt là nước thải bệnh viện. Các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, sinh vật gây bệnh sẽ theo nguồn nước bị ô nhiễm lan truyền bệnh cho người và động vật tại khu đông dân sống tập trung. Để hạn chế ô nhiễm vi sinh vật cần quản lý tốt nguồn thải, cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường khu dân cư.
Ô nhiễm nguồn nước mặt bởi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học: Phổ biến ở các khu thâm canh nông nghiệp. Trong quá trình sử dụng, một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học bị đẩy vào vực nước ruộng, ao, đầm, hồ, sông. Chúng sẽ lan truyền và tích lũy trong môi trường đất, nước và các sản phẩm nông nghiệp thâm nhập cơ thể người và động vật theo chuỗi thức ăn.
Ở một số nước trên Thế Giới, những người xả nước thải công nghiệp và thành thị đều cần phải có giấy phép của cơ quan quản lý về hệ thống loại bỏ xả thải ô nhiễm quốc gia mới được phép xả nước thải vào các vùng nước.