Đề án nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo
Ngày đăng: Jul 18, 2017 10:29:1 AM
Sau 06 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn đã đổi thay đáng kể, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đã dần được quan tâm và có chuyển biến. Tuy nhiên, việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM còn nhiều khó khăn, thiếu tính bền vững và chưa tạo ra sự chuyển biến căn bản về môi trường. Số xã đạt tiêu chí về môi trường theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM mới còn thấp (tính đến cuối năm 2016 mới đạt 47,4%); nguồn lực đầu tư cho công tác BVMT còn hạn chế; tỉ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia còn thấp; các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về môi trường; chất thải rắn sinh hoạt và nông nghiệp tại khu vực nông thôn chưa được thu gom triệt để và có biện pháp xử lý phù hợp… dẫn đến môi trường ở nhiều vùng nông thôn đang ô nhiễm hoặc có nguy cơ ô nhiễm cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo, việc thực hiện tiêu chí môi trường còn hạn chế hơn nữa, chưa đến 30% số xã đạt chuẩn tiêu chí môi trường. Nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp nên đầu tư cho BVMT còn rất ít, trong khi đó Nhà nước lại chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp, cộng đồng tham gia đầu tư, quản lý, vận hành các mô hình BVMT. Để đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017 - 2020 tại Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án nhằm mục tiêu hoàn thiện và nhân rộng các mô hình về BVMT theo hướng xã hội hóa, tập trung tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo; trên cơ sở đó, hoàn thiện chính sách về huy động nguồn lực xã hội hóa, cơ chế quản lý và vận hành mô hình sau đầu tư, đề xuất các giải pháp công nghệ phù hợp. Qua đó, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả và bền vững tiêu chí môi trường, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.
Đề án tập trung vào 05 nhóm mô hình về BVMT để giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc tại các xã khó khăn gồm: (1) các mô hình đối với lĩnh vực cấp nước sạch; (2) mô hình xử lý chất thải rắn quy mô liên xã; (3) mô hình thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật; (4) mô hình xử lý chất thải chăn nuôi và (5) mô hình tuyên truyền viên bảo vệ môi trường cấp xã.
Đối với nhóm mô hình cấp nước sạch và xử lý chất thải, Đề án thực hiện các nhóm nhiệm vụ chính: (i) Rà soát, đánh giá các mô hình hiện có (về công nghệ xử lý, phương thức quản lý và vận hành); các chính sách hiện hành nhằm huy động nguồn lực tại xác xã khó khăn; trên cơ sở đó, đề xuất và hoàn thiện, nâng cấp công nghệ, phương thức quản lý; cơ chế, chính sách phù hợp để vận hành có hiệu quả các mô hình hiện có. (ii) Xây dựng một số mô hình mới để thí điểm cơ chế huy động vốn đầu tư, các chính sách ưu đãi đặc thù cho vùng khó khăn; lựa chọn công nghệ xử lý tối ưu khi xây dựng mô hình; phương thức quản lý trước và sau đầu tư phù hợp với sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức chính trị - xã hội.
Đối với mô hình tuyên truyền viên bảo vệ môi trường cấp xã, phối hợp với cơ quan Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam rà soát, đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; xây dựng chương trình tuyên truyền, tài liệu tuyên truyền; hình thành đội ngũ tuyên truyền viên về BVMT; xây dựng quy chế hoạt động cho đội ngũ tuyên truyền viên và hướng dẫn cơ chế chi trả phụ cấp cho tuyên truyền viên; cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền.
Để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên, Đề án đã đưa ra các giải pháp toàn diện về vận dụng và đề xuất thí điểm cơ chế tài chính phù hợp; giải pháp về đất đai; chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư; giải pháp về khoa học, công nghệ; giải pháp về huy động hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế; giải pháp về phát huy vai trò, trách nhiệm của địa phương, cộng động trong tổ chức quản lý, vận hành; tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về nước sạch và môi trường. Đồng thời, Đề án cũng đã phân công nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương cụ thể trong việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt, triển khai thực hiện các nội dung của Đề án theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Nguồn vốn để thực hiện Đề án được xem xét trên cơ sở đặc thù của từng nhóm mô hình, huy động tối đa đóng góp và sự tham gia của doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng. Như vậy, ngoài nguồn vốn hỗ từ ngân sách Trung ương, Đề án còn tăng cường xã hội hóa các nguồn lực huy động thực hiện và nâng cao trách nhiệm của địa phương, doanh nghiệp, vận động cộng đồng và người dân tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý các mô hình BVMT trên cơ sở tự nguyện và không được huy động quá sức dân. Kinh phí khảo sát, quản lý, nâng cao năng lực, kiểm tra, giám sát và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với các mô hình thực hiện Đề án được trích từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của các cấp được giao hàng năm.
Theo: tinmoitruong.vn