Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về tự động hóa quan trắc môi trường
Ngày đăng: Apr 18, 2020 3:9:0 AM
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường (BVMT), việc áp dụng tự động hóa đối với công tác quan trắc môi trường sẽ được Đồng Nai đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới. Qua đó, tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý sớm các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng Nai hiện là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc xây dựng, lắp đặt các trạm quan trắc tự động để theo dõi, giám sát chất lượng môi trường. Đặc biệt là tại các khu vực và lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Theo Sở TN-MT, hiện nay, 25/25 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh có đủ lượng nước thải vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung đều đã được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN-MT để theo dõi, giám sát.
Năm 2019, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ nước thải tại các KCN, UBND tỉnh cũng đã giao Sở TN-MT rà soát các đơn vị sản xuất, kinh doanh có lưu lượng nguồn thải lớn (nước thải, khí thải) yêu cầu lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động. Đến nay, tất cả 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả thải trên 1 ngàn m3/ngày (không bao gồm các chủ đầu tư KCN) đã thực hiện lắp đặt quan trắc tự động nước thải và truyền dữ liệu về Sở TN-MT.
Nguồn: baodongnai.com.vn/tieu-diem/202004/dong-nai-thuoc-top-dau-ca-nuoc-ve-tu-dong-hoa-quan-trac-moi-truong-2999398/
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết, công tác quan trắc các thành phần môi trường luôn được Đồng Nai quan tâm và thực hiện kịp thời để các cấp chính quyền ra quyết định quản lý, công khai cảnh báo cộng đồng về chất lượng môi trường để có những biện pháp thích ứng phù hợp. “Đồng Nai sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, nhất là quan trắc tự động liên tục để theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng môi trường”- Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành 60 đợt quan trắc, thu mẫu chất lượng nước tại các thủy vực cấp đầu nguồn vào các vùng nuôi tôm và nơi đặt bè cá. Qua đó, cập nhật những biến động môi trường nước ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng, phát triển của đối tượng thủy sản nuôi và tình hình dịch bệnh có liên quan giúp địa phương khuyến cáo cho người dân chủ động hạn chế những tổn thất.
Năm 2019, các cơ quan chức năng đã thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước mặt, đất, trầm tích, không khí tại hàng trăm vị trí. Ngoài ra, Đồng Nai còn thực hiện quan trắc 14 vị trí nước mặt ngoài mạng lưới được phê duyệt, nhằm đánh giá chất lượng môi trường nước tại các khu vực giáp ranh với tỉnh Bình Thuận (suối Sông Ui) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (suối Chà Răng).
Hoạt động quan trắc môi trường luôn là một hoạt động không thể tách rời của công tác BVMT, có nhiệm vụ cung cấp các đánh giá về diễn biến chất lượng môi trường ở các phạm vi khác nhau để phục vụ các yêu cầu tức thời hay dài hạn của các cấp quản lý nhà nước về BVMT. Từ nhiều năm nay, hoạt động quan trắc môi trường đã được Đồng Nai duy trì và phát triển, trong đó thực hiện trọng tâm ở các khu vực trọng điểm như các KCN, các đô thị, các lưu vực sông bị ô nhiễm nặng, các khu vực nuôi trồng thủy sản.
* Tăng tần suất quan trắc môi trường
UBND tỉnh đã chỉ đạo trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục rà soát các đơn vị sản xuất, kinh doanh có lưu lượng nguồn thải lớn (nước thải, khí thải) yêu cầu lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động, kết nối dữ liệu về Sở TN-MT. Qua đó, góp phần tăng cường năng lực cảnh báo và giám sát môi trường, phục vụ lập cơ sở dữ liệu về môi trường trên địa bàn tỉnh.
Trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là khai thác đá, Đồng Nai cũng đã yêu cầu các chủ mỏ phải thực hiện lắp đặt camera để giám sát việc thực hiện các biện pháp BVMT, hạn chế tối đa bụi phát sinh ra môi trường xung quanh. Hiện nay, đã có 26/32 mỏ khai thác đá thực hiện lắp đặt camera giám sát, trong đó có 11 mỏ đạt yêu cầu về các thông số của nhóm camera và đã thực hiện kết nối truyền dữ liệu về Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở TN-MT) để thực hiện giám sát hoạt động kiểm soát nguồn thải bụi từ quá trình hoạt động chế biến và vận chuyển.
Về quan trắc khí thải, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 64 cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc tự động khí thải. Đến nay, đã có 11 cơ sở lắp đặt quan trắc tự động khí thải với tổng số trạm quan trắc là 16 trạm, trong đó có 9 cơ sở đã truyền dữ liệu quan trắc tự động khí thải về Sở TN-MT.
Theo Sở TN-MT, ngoài các trạm quan trắc tự động nước thải, không khí do các doanh nghiệp lắp đặt, hiện nay, UBND tỉnh cũng đã đầu tư lắp đặt 5 trạm quan trắc nước mặt tự động, 2 trạm quan trắc không khí tự động cố định và một trạm quan trắc không khí tự động di động.