Doanh nghiệp ngang nhiên xả thải chưa qua xử lý ra môi trường tại Hải Dương
Ngày đăng: Feb 10, 2017 3:10:5 AM
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, một số công ty tại cụm công nghiệp Tân Hồng nằm trên địa bàn huyện đã nhiều lần xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Huyện đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, tuy nhiên đến nay tình trạng nay vẫn xảy ra. Trong khi đó trách nhiệm quản lý cấp phép và xử phạt của các công ty trong cụm công nghiệp này thuộc về tỉnh Hải Dương. Chị Nguyễn Thị Hiền, thị trấn Kẻ Sặt, Bình Giang cho biết những năm gần đây các công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm Phúc, Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc Pháp, công ty Lục Nam tại cụm công nghiệp Tân Hồng thường xuyên xả thải khiến nước tưới đen kịt, tôm, cua, cá không sống được. Chị Nguyễn Thị Tiến cũng ở thị trấn Kẻ Sặt cũng nói: Hàng đêm người dân mất ngủ vì mùi khét của tái chế nhựa.
Ông Phạm Văn Nam, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Giang cho biết: Ngày 15/11/2016, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiểm tra tại cơ sở tái chế nhựa thuê nhà xưởng của công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm Phúc, công ty này không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục về đảm bảo môi trường không có...
Hoặc tại buổi kiểm tra ngày 17/11/2016, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Giang đã kết luận công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc Pháp đã được phê duyệt về đánh giá tác động môi trường tại quyết định số 2530/QĐ-UBND và quyết định đầu tư. Tuy nhiên hiện nay nước thải của công ty chỉ lọc qua sơ bộ rồi thải ra môi trường nên gây ô nhiễm; hệ thống xử lý nước thải không làm đúng quy trình của hệ thống xử lý nước thải theo quy định đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Điều đặc biệt nằm ngay sát các công ty trong cụm công nghiệp Tân Hồng là Nhà máy xử lý chất thải Tình thương thuộc Công ty cổ phẩn môi trường Tình Thương. Theo công suất thiết kế nhà máy xử lý rác thải và nước thải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép là trên 50 tấn ngày đêm, đủ tiêu chuẩn xử lý các loại chất thải, nước thải công nghiêp hiện nay. Dù đã hoạt động được trên 3 năm, tuy nhiên đến nay nhà máy mới hoạt động 50% công suất thiết kế.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần môi trường Tình Thương cho rằng: một số doanh nghiệp ngay tại cổng nhà máy vào các buổi chiều thường trốn tránh, không đưa chất thải thậm chí nước thải vào nhà máy vì phải mất kinh phí...
Ông Phạm Văn Nam, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Giang khẳng định, những vi phạm chủ yếu của các công ty và cơ sở sản xuất này là xả thải không qua xử lý, hoạt động không được phép của cơ quan chức năng, nhập nguyên vật liệu không nguồn gốc xuất xứ. Huyện đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng như Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng đến nay các doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên xả thải. Huyện mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường của các công ty ở cụm công nghiệp Tân Hồng.