Khốn khổ với nhà máy chế biến mủ cao su tại Đắk Nông
Ngày đăng: Jan 10, 2017 7:49:14 AM
Thời gian gần đây, hàng trăm hộ dân ở xã Cư K’nia (huyện Cư Jút, Đắk Nông) liên tục phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy chế biến cao su của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Nam Đạt (Cty Nam Đạt) đặt trên địa bàn gây ra. Mặc dù người dân và chính quyền rất bức xúc nhưng tình trạng ô nhiễm đến nay vẫn chưa được khắc phục. Đã nhiều năm nay, tại thôn 1 (xã Cư K’nia) đã có hiện diện của nhà máy chế biến mủ cao su. Nhà máy này nằm bên cạnh con đường liên xã Trúc Sơn - Cư K’nia, xung quanh là đất canh tác nông nghiệp và nhà cửa của nhiều hộ dân. Từ khi nhà máy hoạt động đến nay, người dân địa phương liên tục phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra.
Anh Nguyễn Tuấn Huỳnh (ở thôn 1) bức xúc: “Không khí xung quanh khu vực nhà máy bị ô nhiễm nặng, mùi hôi thối của mủ cao su bao trùm cả một khu vực rộng lớn. Mặc dù luôn đóng kín tất cả các cửa nhưng gia đình tôi vẫn “ngợp thở” vì mùi hôi thối, khó chịu bốc ra suốt ngày đêm.”
Không chỉ gây ô nhiễm không khí, nước thải từ nhà máy chưa được xử lý vẫn thường xuyên chảy ra môi trường. Chỉ tay vào hồ nước đen ngòm gần khu vực nhà máy, bà Đinh Thị Nhi (có rẫy canh tác ở thôn 1) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi đã thuê người, máy móc múc một hồ nước gần rẫy canh tác để phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất. Nhưng từ khi nhà máy hoạt động tới nay, nước thải chưa qua xử lý thường xuyên chảy trực tiếp ra hồ, gây ô nhiễm nguồn nước. Gia đình tôi rất lo lắng vì mùa khô sắp tới sẽ không có nguồn nước sạch để phục vụ sinh hoạt, sản xuất”.
Còn anh Phạm Văn Đông (cùng thôn 1) cho biết: “Do ngày đêm hít phải mùi hôi thối, nên thời gian gần đây, nhiều người dân sống lân cận nhà máy đã mắc các bệnh liên quan đến hô hấp. Gia đình tôi có con nhỏ nhưng phải gửi cháu trên nhà người quen vì ở nhà hôi thối suốt ngày, nguy cơ phát sinh bệnh rất cao. Đó là chưa kể nguồn nước từ nhà máy rò rỉ ra bên ngoài, gây ô nhiễm nguồn nước mặt và đang có nguy cơ thẩm thấu xuống mạch nước ngầm.”
Theo người dân địa phương, nhà máy chế biến mủ cao su gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của họ là rất rõ ràng. Mặc dù người dân liên tục kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý, gây bức xúc trong dư luận. Ông Lê Lương Kế - Phó Chủ tịch UBND xã Cư K’nia, trần tình: “Những hộ dân xung quanh nhà máy rất bức xúc và liên tục phản ánh lên chính quyền địa phương. Mặc dù chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng nhiều tháng nay, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục. Mùi hôi thối từ nhà máy vẫn tiếp tục phát tán ra ngoài môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhiều hộ dân địa phương”.
Ngoài các hộ dân tại xã Cư K’nia, nhiều hộ dân ở thôn 5 (xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút) cũng phản ánh mùi hôi do nhà máy cao su ảnh hưởng đến đời sống của họ. Ông Lã Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Trúc Sơn, cho hay: “Thời gian gần đây, địa phương liên tục nhận được ý kiến của bà con ở thôn 5 về tình trạng ô nhiễm không khí do nhà máy cao su gây ra. Chúng tôi đang thành lập đoàn kiểm tra để nắm bắt thông tin và kịp thời có kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.”
Được biết, trong quá trình hoạt động, nhà máy chế biến mủ cao su này đã được sang nhượng nhiều lần trước khi trở thành tài sản của ngân hàng. Khoảng giữa năm 2016, nhà máy được ngân hàng bán lại cho Cty Nam Đạt để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Sau một thời gian sửa chữa nhà xưởng và làm các thủ tục có liên quan, nhà máy đã tái hoạt động trở lại vào tháng 7/2016. Hiện tại, nhà máy đang thu mua khoảng 16 tấn mủ cao su/ngày từ người dân xung quanh và hoạt động với công suất chế biến khoảng 0,8 tấn/giờ.
Sau khi người dân địa phương phản ánh, vào tháng 11/2016, Sở TN&MT Đắk Nông đã phối hợp với Phòng TN&MT huyện Cư Jút và UBND xã Cư K’nia kiểm tra thực tế tại nhà máy. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy chưa được cải tạo, đầu tư xây dựng đảm bảo đạt quy chuẩn; các khu vực tập kết nguyên liệu của nhà máy chưa đảm bảo yêu cầu… Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty Nam Đạt khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý về môi trường, tài nguyên nước… theo đúng quy định; đầu tư xây dựng vận hành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn môi trường, sử dụng các chế phẩm thường xuyên phun xịt tại các khu vực phát sinh mùi hôi để hạn chế tối đa mùi hôi phát sinh bên ngoài.
Nhưng tại thời điểm chúng tôi có mặt tại nhà máy, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được khắc phục. Mủ cao su được tập kết bừa bãi trong khuôn viên nhà máy, không hề được che đậy. Nước thải trong các hoạt động chế biến mủ cao su vẫn chảy trực tiếp ra khu vực sân bãi trước khi đổ ra các hồ chứa đen ngòm bên dưới. Trao đổi qua điện thoại, bà Mai Thúy Quỳnh, Giám đốc Công ty Nam Đạt thẳng thắn thừa nhận những ảnh hưởng về môi trường do nhà máy chế biến mủ cao su gây ra là có thật. “Nhà máy tái hoạt động đúng vào thời điểm mùa mưa nên nước thải trong quá trình chế biến mủ cao su vẫn rò rỉ ra ngoài. Bên cạnh đó, mùi hôi đặc trưng của mủ cao su cũng đang tiếp tục phát tán ra môi trường. Sau khi mùa mưa kết thúc, chúng tôi sẽ đầu tư cải tạo các hạng mục xử lý nước thải, đồng thời có các biện pháp giảm thiểu mùi hôi để hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng về môi trường do nhà máy gây ra” - bà Quỳnh cho hay.