Hệ thống xử lý nước thải tại các khu công nghiệp ở Tây Ninh quá tải
Do đầu tư thiếu đồng bộ, không đáp ứng kịp thời với tiến độ thu hút dự án, nhất là các dự án thuộc ngành dệt may, dệt sợi…có lượng nước thải cần xử lý với lưu lượng lớn, nên hầu hết hệ thống xử lý nước thải chung tại các khu công nghiệp của Tây Ninh hiện nay đều rơi vào tình trạng quá tải, thường xuyên xảy ra sự cố về môi trường.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh hiện có 4 khu công nghiệp, khu chế xuất là: Khu công nghiệp Trảng Bàng, Khu công nghiệp Thành Thành Công, Khu công nghiệp Phước Đông – Bời Lời, Khu chế xuất Linh Trung III và 2 Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát. Các khu này đều đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung đạt quy chuẩn về môi trường (quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT cột A).
Xử lý nước thải ô nhiễm
Tuy nhiên, gần đây một số khu công nghiệp thu hút mạnh các ngành nghề dệt may, dệt sợi, nhuộm sợi…nên rơi vào tình trạng quá tải khi tiếp nhận nguồn nước thải để xử lý. Điển hình như hệ thống xử lý nước thải chung của Khu công nghiệp Trảng Bàng, có công suất xử lý 5.000 m3/ngày đêm được xây dựng từ năm 2009, đến nay chưa được đầu tư nâng công suất thêm, nên khi Công ty dệt Trần Hiệp Thành (trong khu công nghiệp) đi vào hoạt động, xả ra thêm lượng nước thải 1.000 m3/ngày đêm, hòa cùng với nguồn nước thải của trên 30 cơ sở sản xuất khác, dẫn đến tình trạng quá tải trong khâu tiếp nhận, xảy ra sự cố nước thải sau xử lý không đạt quy chuẩn. Còn khu công nghiệp Phước Đông – Bời Lời đã đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 5.000 m3/ngày đêm, nhưng thực tế phải xử lý lượng nước thải gấp 3 lần do các cơ sở trong phân khu dệt may thải ra, trong khi nhu cầu xử lý nước thải của các dự án tại đây trong thời gian tới (khi các dự án mới tiếp tục đi vào hoạt động) là 63.800 m3/ngày đêm.
Trước tình trạng “cung" lớn hơn "cầu” trong khâu xử lý nước thải, các Công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tại Tây Ninh gần đây đã buộc các nhà đầu tư có dự án thuê đất trong khu công nghiệp phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt cột A mới được hòa vào nguồn nước thải chung để “giảm tải” trong khâu xử lý. Quy định này đang gây nhiều tranh cãi giữa các nhà đầu tư và Công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp vì phía “chủ nhà” đã không bảo đảm cam kết khi kêu gọi đầu tư là chỉ xử lý nước thải đạt loại B trước khi đưa vào hệ thống thu gom để được xử lý.