Người dân tự nguyện đập bỏ hàng trăm lò gạch, lò ngói thủ công gây ô nhiễm môi trường
Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động, thuyết phục, đến nay người dân xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã tự nguyện tháo dỡ, đập bỏ hàng trăm lò gạch, lò ngói thủ công. Người Thanh Trù giờ đây không còn phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường triền miên do khói, bụi, bủa vây trên diện rộng từ các lò gạch, ngói.
Xã Thanh Trù có nghề sản xuất gạch ngói thủ công cách đây hàng chục năm. Trước đây, người dân sản xuất mang tính thời vụ, tập trung ở những thời điểm nông nhàn và chỉ coi việc sản xuất gạch là nghề phụ để có thêm thu nhập cho gia đình. Giai đoạn 2000 - 2005, sản phẩm gạch ngói có giá cao, tiêu thụ dễ dàng, người dân coi trọng nghề làm gạch ngói hơn cả công việc đồng áng vì nghề này đem lại nguồn thu chính cho gia đình.Từ đó phong trào xây dựng lò gạch thủ công phát triển rầm rộ, mọi sự vận động, tuyên truyền của chính quyền sở tại và các ngành chức năng đều không thuyết phục được người dân hạn chế làm nghề này. Thời điểm cao nhất, xã Thanh Trù có tới gần 300 lò gạch, lò ngói thủ công nằm đan xen với làng xóm, khu dân cư tập trung và hoạt động quanh năm. Hoạt động sản xuất gạch ngói sôi động, kéo theo các dịch vụ vận tải, khai thác đất phát triển. Hàng trăm xe tải chạy suốt ngày chở gạch, đất, xe đến lấy sản phẩm ra lò đã liên tục cày xới đường giao thông khiến cho địa bàn thôn xóm luôn bị bụi, khói bủa vây mù mịt...Thêm vào đó, ruộng đồng canh tác của người dân Thanh Trù cũng bị đào bới. khai thác đất nguyên liệu cho sản xuất gạch, ngói trái phép khiến hệ thống kênh mương nội đồng bị phá vỡ sự liên thông, đánh mất khả năng tưới tiêu ở nhiều nơi....Sản xuất gạch, ngói đã gây ô nhiễm môi trường rất nặng nề, mùi khí than nồng nặc quanh năm, nguồn nước ở địa bàn cũng bị ô nhiễm vì khí bụi và thùng vũng do đào bới đất làm gạch dày đặc khắp nơi, lẫn quá nhiều tạp chất có hại đã đánh mất khả năng tự làm sạch của môi trường. Người dân mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh về mắt... khá phổ biến.
Trước tình hình đó, tháng 11/2008, xã Thanh Trù đã đưa ra một Nghị quyết chuyên đề là xóa bỏ lò gạch, lò ngói thủ công. Theo kế hoạch thì đến hết tháng 12/2009 sẽ phải thực hiện xong, thế nhưng mọi sự vận động, vào cuộc của ngành chức năng đều không có sự chuyển biến. Với quyết tâm cao của thành phố Vĩnh Yên, đến giữa năm 2014, Thanh Trù mới xóa bỏ được 60 đến 70% tổng số lò. Số lò chưa tháo dỡ, vẫn hoạt động với lý do tận thu nguồn đất, nguyên liệu họ đã tập kết, nhưng thực chất đây là cái cớ để người dân duy trì hoạt động. Xã Thanh Trù đã tiến hành họp các chủ lò gạch để thông báo hết tháng 10 /2014 phải dừng sản xuất tiến đến xóa bỏ các lò gạch thủ công. Song, nhiều chủ hộ cho rằng nguyên vật liệu dự trữ để sản xuất tại các lò gạch còn quá lớn nên họ chần chừ, chưa muốn tháo dỡ với hy vọng còn được ngày nào hay ngày đấy. Xã còn thành lập các điểm chốt 24/24 giờ tại các tuyến đường ra vào xã để ngăn không cho các xe tải chở đất làm gạch; tiếp tục tuyên truyền vạn động người dân từ bỏ nghề gạch ngói thủ công đang ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái, sức khỏe các thế hệ...và cuối cùng được người dân đồng tình chấp thuận.
Đến nay, hàng trăm lò gạch, lò ngói ở Thanh Trù đã được người dân tự nguyện dỡ bỏ, chuyển sang các việc làm khác phù hợp. UBND xã Thanh Trù đã có đề án hỗ trợ chuyển đổi nghề cho bà con sau khi phá dỡ lò gạch như đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động...; đề xuất nguồn kinh phí hỗ trợ, quan tâm giải quyết các vấn đề sau tháo dỡ lò.