Nghiêm trọng ô nhiễm không khí thải tại các tòa nhà
Theo các chuyên gia sự cố nhiều người bị ngất xỉu ở Siêu thị BigC Garden lần nữa dấy lên báo động về ô nhiễm các tòa nhà đã được cảnh báo. Trong khi đó Việt Nam chưa có tiêu chuẩn không khí trong nhà để xác định mức độ ô nhiễm.
Thạc sỹ Ngô Quốc Khánh, Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ Lao động cho biết, ô nhiễm không khí trong nhà, đặc biệt là tại các tòa cao ốc đã được Tổ chức Y tế Thế giới báo động từ lâu. Trong bảy triệu ca tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí trên toàn cầu thì có 3,3 triệu ca bắt nguồn từ ô nhiễm trong nhà năm 2012.
Một nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ Lao động trong bốn tòa nhà ở nội thành Hà Nội cho thấy, nồng độ co2 trong không khí trung bình là 860ppm nồng độ Formaldehyde là 0,023 ppm nồng độ ozon là 0,067ppm), nồng độ các chất hữu cơ dễ bay hơi là 6,33 ppm, nồng độ bụi hô hấp là 0,208 mg/m3, các chỉ tiêu sinh vật như tổng nấm là 1285Sl/m3 kk. Việt Nam hiện chưa có tiêu chuẩn không khí trong nhà. Tuy nhiên nếu áp các chỉ số trên vào một số tiêu chuẩn của quốc tế thì thấy vượt tiêu chuẩn cho phép. Ví dụ nồng độ Formaldehyde vượt quy định của Viện Quốc gia về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của Mỹ (NIOSH), nồng độ bụi hô hấp vượt tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn Chất lượng không khí quốc gia (NAAQS) của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (USEPA, 1987).
Báo cáo môi trường quốc gia về hiện trạng môi trường không khí ở Việt Nam (công bố 18/9/2014) cho thấy, môi trường không khí ở Việt Nam đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó Hà Nội ô nhiễm nhất. Năm 2013 Hà Nội có tới 237 ngày chất lượng không khí kém, 21 ngày chất lượng không khí xấu và một ngày chất lượng không khí vào mức nguy hại. Không khí trong nhà ô nhiễm chứa nhiều chất độc, như CO, Bezene, Formaldehyde; ozone - gây ra nhiều loại bệnh về hô hấp, ung thư. Trong trường hợp gia tăng đột biến một trong những chất độc trên sẽ gây ngộ độc cấp tính, giống như trường hợp vừa xảy ra ở BigC Garden.Theo thạc sỹ Ngô Quốc Khánh, hiện Việt Nam chưa có tiêu chuẩn hay khuyến cáo chính thống nên việc đánh giá chất lượng môi trường không khí trong nhà vẫn đang là thách thức. Vì vậy cần nhanh chóng nghiên cứu, biên soạn tiêu chuẩn, khuyến cáo về nồng độ chất ô nhiễm cho phép trong không khí trong nhà.
Ngoài ra, trong bối cảnh các thành phố lớn mọc lên nhan nhản các tòa cao ốc, phải tiến hành tổ chức quan trắc, đo đạc và đánh giá chất lượng không khí trong nhà định kỳ tại các tòa cao ốc, văn phòng nhằm tránh ảnh hưởng đáng tiếc đến sức khỏe con người.