Nhập khẩu rác thải, phế thải thành chất độc
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc nhập khẩu những loại phế liệu không đúng quy định tiềm ẩn những nguy cơ về dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến môi trường, thậm chí đối với những chất thải nguy hại sẽ dẫn đến những ảnh hưởng lớn về sức khỏe con người.
Theo Thông tư Liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT thì nếu các doanh nghiệp có đủ điều kiện như có kho bãi tập kết đủ tiêu chuẩn, có công nghệ, thiết bị để tái chế... thì được phép nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất. Lợi dụng việc này, nhiều DN đã nhập khẩu chất thải bất hợp pháp để thu lợi. Vấn nạn này gây ra những hậu quả khôn lường không chỉ với sức khỏe con người mà đe dọa cả môi trường về lâu dài.
Sờ đâu cũng vi phạm
Vừa qua, sự việc 7.000 lít dầu biến thế nhiễm hóa chất PCB đặt tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh) suốt 7 năm qua, đe dọa đến sự an toàn của vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới, được dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo đó, tháng 11/2007, Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long Vinashin (nay là Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long) nhập về một lô hàng thiết bị điện gồm các máy biến thế đã qua sử dụng tại Hàn Quốc theo tờ khai số 203 ngày 14/11/2007, để phục vụ lắp đặt thi công dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng tại Nam Định, do Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam làm chủ đầu tư.
Khi lô hàng về đến cảng Cái Lân, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện một trong ba máy biến thế của lô hàng có chứa PCB trong dầu biến thế. Do PCB là chất thải nguy hiểm, chất hữu cơ khó phân hủy, theo quy định chỉ được nhập khẩu với mục đích quản lý chất thải an toàn, nên lô hàng trên phải được tái xuất về nước xuất khẩu.
UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long Vinashin vì vi phạm luật bảo vệ môi trường và buộc phải tái xuất về nước xuất khẩu lô hàng nhiễm PCB trên. Tuy nhiên, phía công ty này cho biết không thể tái xuất về Hàn Quốc do đối tác xuất khẩu không nhận lại.
Vậy mà gần 7 năm qua, máy biến thế chứa hàng nghìn lít dầu nhiễm PCB độc hại vẫn nằm ngay ở sân cảng Cái Lân, cách vịnh Hạ Long không xa và có hiện tượng rò rỉ tại khu vực lưu trữ. Nếu hóa chất PCB này tràn xuống biển thì vịnh Hạ Long sẽ vĩnh viễn không thể khôi phục nguyên trạng.
Sau khi vụ việc được báo giới phản ánh và sau nhiều tranh cãi, phân định trách nhiệm quản lý và xử lý giữa các đơn vị quản lý liên quan, ngày 11/10 vừa qua, 7.000 lít dầu chứa hóa chất độc hại PCB này mới được vận chuyển từ cảng Cái Lân (Quảng Ninh) đến nhà máy của Công ty Xi măng Holcim tại Kiên Giang để xử lý. Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, cuối tháng 10, số dầu này sẽ được tiêu hủy theo đúng quy định.
Thực tế 7.000 lít dầu chứa PCB không phải là duy nhất về hoạt động nhập khẩu rác thải nguy hại vào Việt Nam nhiều năm qua. Bên cạnh những lô hàng chứa hóa chất độc hại lọt sang Việt Nam theo đường nhập khẩu máy móc như trên, nhiều doanh nghiệp lợi dụng quy định cho phép nhập khẩu một số loại phế liệu đã làm sạch làm nguyên liệu sản xuất để nhập khẩu bất hợp pháp chất thải vào Việt Nam dưới hình thức khai báo là phế liệu nhập khẩu.
Một trong những vụ “nhập khẩu rác" lớn nhất mà cơ quan chức năng phát hiện vào tháng 7 vừa qua tại Hải Phòng. Theo đó, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, công an thành phố Hải Phòng đã kiểm tra và phát hiện tại kho bãi và nhà xưởng của Công ty TNHH Mai Hương có khoảng 340 tấn linh kiện, thiết bị điện tử đã qua sử dụng.
Qua kết quả giám định hàng hóa đã phát hiện trong số đó có 3 container là chất thải nguy hại và có 3 container thuộc tờ khai của Công ty Cổ phần Phát triển xăng dầu Thái Dương, cũng đóng trên địa bàn Hải Phòng. Tiếp tục điều tra, cơ quan quản lý phát hiện lô hàng 20 container mà công ty này khai báo với hải quan là sắt thép phế liệu được nhập khẩu, nhưng trên thực tế chỉ có 2 container là hàng đúng khai báo, còn lại 18 container là các linh kiện điện tử, vi mạch điện tử... đã qua sử dụng.
Nguy cơ “bãi rác” của thế giới
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng số các doanh nghiệp nhập khẩu và sử dụng phế liệu trên cả nước là 256 doanh nghiệp. Trong đó, lượng doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu để trực tiếp phục vụ sản xuất là 153 doanh nghiệp (chiếm 59,76% tổng số doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu), số lượng doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác là 103 doanh nghiệp (chiếm khoảng 40,24%).Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam nhập 3 triệu tấn phế liệu.
Thông qua việc nhập khẩu phế liệu này, nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như máy móc, thiết bị lạc hậu cũ, hỏng, linh kiện điện tử có chứa chất thải nguy hại… đã bị nhập khẩu trái phép vào Việt Nam.
Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết những mặt hàng phế liệu được nhập khẩu “chui” đều là những mặt hàng bị cấm như ắc quy, dầu nhớt thải, các linh kiện điện tử có chứa các chất như chì… Thậm chí, trong nhiều vụ, cơ quan kiểm tra còn phát hiện các loại động vật hoang dã như ngà voi, rùa…
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc nhập khẩu các loại phế liệu này thường đem lại lợi nhuận cao, nên các doanh nghiệp tìm mọi cách để lách luật, dùng những thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt các lực lượng chức năng, thậm chí cố tình vi phạm luật.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc nhập khẩu những loại phế liệu không đúng quy định tiềm ẩn những nguy cơ về dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến môi trường, thậm chí đối với những chất thải nguy hại sẽ dẫn đến những ảnh hưởng lớn về sức khỏe con người.
Chẳng hạn trong vụ 7.000 lít dầu biến thế ở cảng Cái Lân, PCB là hóa chất có độc tính rất cao (độc chỉ kém 10 lần loại điôxin độc nhất), khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, có khả năng di chuyển và phát tán xa đồng thời hấp thụ dễ dàng trong các cơ thể sống. PCB có thể gây ngộ độc cấp tính như nổi mụn, cháy da, bỏng mắt.
Về lâu dài, PCB dù ở nồng độ nhỏ cũng phá hủy gan, rối loạn sinh sản, biến đổi gene, gây ung thư, quái thai, dị dạng, tác động đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Đồng thời, việc tiêu hủy các loại phế liệu nhập khẩu này khi không tái xuất được về nước nhập khẩu cũng rất tốn kém ngân sách. Một chuyên gia nhấn mạnh, nếu không quản lý chặt, Việt Nam sẽ trở thành bãi rác của thế giới trong tương lai.
Ông Nguyễn Thành Yên, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (Tổng cục môi trường) cho biết, việc nhập khẩu các chất thải không những vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, mà còn vi phạm các điều khoản của Công ước Basel năm 1989 về kiểm soát vận chuyển qua biên giới và tiêu hủy các chất độc hại mà Việt Nam là một thành viên tham gia. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhập khẩu chất thải trái phép vào Việt Nam bởi vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trong việc thực hiện.
“Chúng ta còn thiếu hệ thống thể chế và pháp luật hoàn chỉnh để kiểm soát chất độc hại và chất thải nguy hại. Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn chưa tốt. Thiếu nguồn nhân lực và năng lực để kiểm soát tại các khu vực biên giới, cảng vụ và các cửa khẩu. Cùng với đó, rất khó khăn trong việc xử lý các chuyến hàng bất hợp pháp bị phát hiện, đặc biệt là việc tái xuất các chất thải nhập khẩu bất hợp pháp do các quốc gia xuất khẩu không có sự phản hồi thông tin và chúng ta còn thiếu khả năng để xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại một cách an toàn”, ông Yên cho biết.