Túi nilon và vấn đề môi trường
Túi nilon đang được dùng rất phổ biến tại Việt Nam vì sự tiện dụng, nhưng ít ai biết rằng phải mất 50 năm túi nilon mới có thể phân hủy được. Hằng ngày chúng ta đều dùng và thải ra túi nilon mà không có biện pháp tái sử dụng, vì vậy qua năm tháng chúng ta đang tích một lượng lớn túi.
Nếu bạn có ý định trồng trọt chăn nuôi theo phương pháp tự nhiên hay organic, bạn sẽ phải đối mặt với một thứ giặc, đó là túi nilon. Tôi không hề nói vống lên. Mà xin lưu ý, nếu bạn mua một sản phẩm organic, mà sản phẩm đó được đựng trong túi nilon thì lập tức nó không còn là organic nữa, vì những hóa chất trong túi nilon sẽ “chuyển hóa” vào thịt vào cá vào rau quả, dù mắt thường không nhìn thấy, nhưng chất liệu của sản phẩm sẽ không còn nguyên vẹn, nếu không muốn nói là nó đã nhiễm hóa chất độc hại. Những túi nilon nằm trên đất cũng sẽ khiến cho cây trồng vật nuôi của bạn bị nhiễm hóa chất, dù bạn không dùng thuốc trừ sâu diệt cỏ hay phân hóa học.
Những ngày đầu đến lập khu vườn này tôi thuê người tìm nhặt tất cả những túi nilon và mọi thứ hộp nhựa, chai nhựa tràn lan lưu cữu trên khắp mặt đất. Ngày đầu tiên tôi thấy chị người làm chất thành một đống và định châm lửa đốt. Tôi bảo không, không được đốt. Chị ấy nói thôi để em đào hố chôn, tôi bảo cũng không chôn được, phải cho hết vào các bao tải và tìm nơi nào thường có xe đến gom rác để đó cho người ta gom. Chị cười, nói xe gom rác không bao giờ tới cái xã này, xã kế bên cũng không có, phải đi tuốt lên gần thị trấn mới có. Tôi nói chỗ nào có thì mang tới đó.
Mặc dù tôi dùng biện pháp triệt để để loại túi nilon, nhưng hằng ngày túi nilon vẫn cứ “mọc” ra. Gà bới ra túi nilon, heo ủi ra túi nilon, một cơn gió cũng ra túi nilon. Hôm trước mấy người thợ đến làm hàng rào, hôm sau phải đi nhặt túi nilon, hộp nhựa đựng thức ăn và đầu lọc thuốc lá, mặc dù lần nào cũng nhắc đi nhắc lại là không được vứt những thứ đó ra đất. “Công cuộc” nhặt túi nilon của tôi cứ liên tu bất tận. Dù như thế nào tôi cũng quyết phải loại cho bằng hết, nếu không thì việc trồng trọt chăn nuôi của tôi sẽ chẳng còn bao nhiêu ý nghĩa. Một cái vườn bằng bàn tay còn như vậy, huống hồ là một đất nước.
Chẳng cần phải nói nhiều người cũng biết túi nilon và các loại bao bì bằng nhựa gây độc như thế nào cho người và cho môi trường. Tuy các loại nhựa PE hay PP bản thân nó có thể không độc khi tiếp xúc (các nhà khoa học bảo vậy), nhưng các chất phụ gia làm mềm và hóa dẻo thì độc hại vô cùng, chúng là tác nhân làm gia tăng nguy cơ ung thư, gây rối loạn nội tiết, hại thần kinh, giảm khả năng sinh sản, làm biến đổi giới tính và vô số những bệnh tiềm ẩn khác. Sử dụng chúng đã đành là có hại, nhưng sử dụng xong đốt chúng đi còn có hại hơn, vì chúng sẽ thải ra những chất gây ung thư. Còn vứt đi hay chôn chúng thì môi trường sống bị đe dọa, vì chúng tồn tại gần như vĩnh viễn (người ta bảo phải bốn năm trăm năm, thậm chí cả ngàn năm chúng mới bị phân hủy), làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, ngăn chặn sự luân chuyển oxy trong đất, gây biến thái hệ vi sinh vật, khiến cho đất đai cằn cỗi, cây cối chậm phát triển, dù có ra hoa kết trái cũng không còn nguyên hương vị. Những tài liệu khoa học phân tích về sự độc hại của chúng người ta phổ biến đầy trên mạng, trên báo chí trên truyền hình, thỉnh thoảng lại có thêm những “phát hiện kinh hoàng”, nhưng hình như có quá ít người sợ.
Túi nilon và các bao bì, vật dụng bằng nhựa gây hại cho toàn dân, từ già tới bé không trừ một người nào, nhưng ở nông thôn là nghiêm trọng nhất. Người thành phố sau khi vô tình đưa các chất độc hại vào cơ thể, rác thải nhựa được bỏ vào giỏ rác, các xe rác mang đi tập trung có nơi có chỗ, một phần để “tái chế”, phần khác người ta xử lý theo kiểu nào đó cũng rất có vấn đề nhưng khuất mắt chúng ta không thấy. Còn ở nông thôn thì chỉ có 3 cách: vứt bừa ra đất, tự đốt hoặc tự chôn, trong khi túi nilon và đồ nhựa ở nông thôn là thứ rẻ tiền tái chế đi tái chế lại nên là thứ độc hại nhất, là cặn bã của cặn bã, là thứ không còn gì để có thể tái chế thêm một lần nào nữa. Cầm những túi nilon mới toanh người ta dùng để gói thịt gói rau, gói dưa gói mắm ngoài chợ, trong tay vẫn dính đầy bột hóa chất như dính bụi, nghĩ kỹ mới thấy rùng mình.
Không phải cái gì gây hại cho dân cũng là lỗi của chính quyền. Cả thế giới này đang là thế giới của túi nilon thì dường như mọi nỗ lực nói không với túi nilon đều tắc tị. Có người sẽ bảo nước Mỹ văn minh cao luật pháp nghiêm mà họ có bỏ được túi nilon triệt để đâu. Chúng ta không “bì” được với Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ và không phải cái gì của họ cũng tốt. Trong nền dân chủ vận động hành lang của họ, một đạo luật ra đời hay không ra đời không phải bao giờ cũng vì lợi ích chính đáng của số đông dân chúng, mà thường phụ thuộc vào cường độ lobby của các “nhóm lợi ích”. Mới đây, lệnh cấm sử dụng túi nilon đã được áp dụng trên toàn bang California, sau một thời gian chỉ áp dụng được ở một thành phố của bang này. Hiện nay các tập đoàn sản xuất đồ nhựa đang chi rất nhiều tiền của để tiến hành những chiến dịch vận động hành lang ráo riết nhằm ngăn chặn mở rộng việc áp dụng lệnh cấm này ra các bang khác. Trung Quốc cũng tiến hành một số biện pháp hạn chế sử dụng túi nilon, nhưng có vẻ như người Trung Quốc quan tâm đến trời biển đất đai của thế giới hơn là quan tâm đến việc ăn ở thân thiện với môi trường.
Nước Mỹ và Trung Quốc có lẽ khó mà loại trừ triệt để túi nilon. Nhưng không phải vì vậy mà nước khác không làm được. Xin hãy chú ý nhìn sang châu Phi, nhiều nước ở Đông Phi đã nói không với túi nilon không phải bằng những cuộc vận động mà bằng luật pháp, trong đó Rwanda là nước áp dụng thành công nhất. Rwanda không phải hạn chế sử dụng túi nilon mà cấm hoàn toàn, sử dụng túi nilon ở nước này là phạm pháp. Là một nước trải qua nhiều đau thương của nội chiến và nạn diệt chủng, Rwanda đã đi lên trong nghèo khó, họ hồi sinh đất nước họ bắt đầu từ sự hồi sinh của thiên nhiên cây cỏ. Họ vẫn đang còn rất nghèo, nhưng đang nhận được những lời ngợi ca từ khắp nơi trên thế giới.
Tháng 9 vừa rồi chính quyền TP.HCM cũng có ra một chỉ thị, gọi là “tăng cường quản lý việc sử dụng và thải bỏ túi nilon”, dù có quy định xử phạt các hành vi đốt hay chôn túi nilon, nhưng nó nhẹ hều chẳng thể tạo ra tác dụng. Tuy nhiên, cùng với việc tăng mức thuế đối với túi nilon từ 30.000 đồng lên 40.000 đồng/kg ở phạm vi quốc gia từ năm 2012, việc “tăng cường quản lý” của chính quyền TP.HCM cần được ghi nhận là một cố gắng, chí ít là Nhà nước không có ý định buông lỏng. Không có ý định buông lỏng, nhưng quyết tâm thì hình như chưa.
Các quan chức chúng ta nên bớt bớt các chuyến đi cưỡi ngựa xem hoa tốn tiền tốn của để đến Rwanda học cách làm của họ, hoặc là bỏ tiền ra mời họ về dạy dỗ. Họ nghèo hơn chúng ta, nhưng vươn đến đỉnh cao của sự sạch sẽ. Có lý gì mà chúng ta không thể?