Tin môi trường trong tuần
Đầu tư 6.000 tỷ đồng xây nhà máy điện gió đầu tiên ở Tây Nguyên; Viglacera xây dựng “nhà máy xanh” sản xuất gạch granite cao cấp tại Thái Bình; Châu Âu cam kết giảm 80% lượng túi nylon vào năm 2025;… là những sự kiện môi trường nổi bật diễn ra trong tuần.
Đầu tư 6.000 tỷ đồng xây nhà máy điện gió đầu tiên ở Tây Nguyên
Dự án Trang trại Phong điện Tây Nguyên do Công ty Giải pháp năng lượng gió HBRE (HBRE Wind Power Solution) làm chủ đầu tư với tổng công suất thiết kế là 120MW, tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng vừa được khởi công xây dựng giai đoạnh một tại xã Đliê-Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk.
Sản lượng điện cung cấp hàng năm lên đến 450 triệu kWh/năm, đủ khả năng cung cấp cho 200.000 hộ gia đình. Dự án này chia làm ba giai đoạn và dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành toàn bộ. Riêng giai đoạn một sẽ hoàn thành và hòa vào điện lưới quốc gia trong quý 2/2016, với công suất là 28MW.
Khởi động chương trình cùng hành động bảo vệ động vật hoang dã
Trong khuôn khổ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, ngày 3/3, Đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt Nam và liên Bộ Tài nguyên-Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Chương trình “Cùng hành động tạo sự thay đổi,” nhằm hình thành một liên minh hành động chấm dứt các hoạt động buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là sừng tê giác.
Mục đích của Chương trình “Cùng hành động tạo sự thay đổi” là nâng cao nhận thức cho công chúng, làm giảm nhu cầu mua các sản phẩm từ động vật hoang dã đồng thời cải thiện quan hệ song phương về an ninh môi trường. Theo thống kê của các cơ quan bảo tồn quốc tế, trong vòng 40 năm qua, thế giới đã mất đi 52% các loài đa dạng sinh học trên trái đất. Một trong những nguyên nhân lớn nhất của sự mất mát này là do nạn buôn bán bất hợp pháp xuyên quốc gia.
Viglacera xây dựng “nhà máy xanh” sản xuất gạch granite cao cấp tại Thái Bình
Ngày 6/3, TCty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera - CTCP) đã khởi công Dự án Đầu tư mở rộng sản xuất gạch ốp lát granite cao cấp giai đoạn 2 - Nhà máy Viglacera Thái Bình tại Khu công nghiệp Tiền Hải (Đông Lâm - Thái Bình). Dự kiến dự án sẽ được đưa vào vận hành và cho ra những sản phẩm đầu tiên vào cuối quý III, góp phần nâng tổng công suất nhà máy lên 3,5 triệu m2/năm. Viglacera khẳng định Dự án tuân thủ theo các tiêu chí của hệ thống ISO14000 về quan trắc bảo vệ môi trường và dự kiến sẽ được cấp giấy chứng nhận “nhà máy xanh” sản xuất vật liệu xây dựng trong quý II/2015.
Giai đoạn 2 Nhà máy Viglacera Thái Bình sẽ trở thành dự án “điểm” của Viglacera, đáp ứng các tiêu chí về sản xuất vật liệu xây dựng theo quy trình “xanh”. Từ việc sử dụng khí đốt cho đến xử lý các loại chất thải rắn, lỏng đều theo tiêu chuẩn ISO 14000 nhằm tạo môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động.
Thụy Sĩ là nước đầu tiên đệ trình bản cam kết về khí hậu
Thụy Sĩ cho biết, nước này sẽ cắt giảm 50% khí nhà kính vào năm 2030. Đây là đóng góp của Thụy Sĩ cho thỏa thuận về biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ được thông qua tại Paris vào cuối năm nay.
Trong bản kế hoạch công bố ngày 27/2, Thụy Sĩ sẽ cắt giảm 30% lượng khí nhà kính ở trong nước và 20% còn lại thông qua thị trường carbon hoặc các hình thức khác. Với cấu trúc kinh tế bền vững, Thụy Sĩ là một quốc gia có lượng khí thải thấp (6,4 tấn/người mỗi năm), chiếm 0,1% lượng khí nhà kính toàn cầu. Nước này sẽ sử dụng thỏa thuận quốc tế để giảm chi phí cho các biện pháp cắt giảm khí thải trong nước từ năm 2020 đến năm 2030.
Australia xây nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên
Nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên được xây dựng ở bang Nam Australia, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động đầu tháng 4 tới. Nhà máy này sẽ nổi trên một cơ sở xử lý nước thải ở Jamestown, thị trấn ở trung bắc bang Nam Australia. Các tấm thu năng lượng mặt trời nổi sẽ được phần nước phía dưới làm mát, giúp tăng hiệu quả hoạt động lên 57% so với các tấm thu năng lượng mặt trời trên cạn.
Nhà máy sẽ giúp ngăn chặn 90% nước bốc hơi từ bề mặt được che phủ phía dưới. Đối với những tiểu bang khô hạn hay những vùng có khí hậu khô, đây là một giải pháp tiết kiệm nước tuyệt vời.
Châu Âu cam kết giảm 80% lượng túi nylon vào năm 2025
Liên minh châu Âu (EU) hôm 2/3 đã thông qua các quy định mới nhằm giảm thiểu lượng túi nylon mỏng thải ra hàng ngày gây hại cho môi trường. Theo quyết định của 28 quốc gia thành viên, các quy định mới sẽ buộc người tiêu dùng phải dùng các loại túi có thể tái sử dụng hoặc phải trả thêm phí nếu dùng túi nylon. Đây cũng là lần đầu tiên các nước châu Âu cùng đồng thuận áp dụng chế tài bắt buộc liên quan đến vấn nạn này.
Liên minh châu Âu cũng đặt mục tiêu sẽ giảm thiểu 80% số lượng túi nylon được sử dụng vào năm 2025. Tuy nhiên, các nước sẽ được tự lựa chọn cách thức để thực hiện mục tiêu trên. Giới chức châu Âu cho rằng, quyết định này được xem là bước đột phá lịch sử trong nỗ lực đối phó với vấn nạn ô nhiễm túi nylon. Cách đây 5 năm, mỗi người dân châu Âu sử dụng khoảng 198 túi nylon mỗi năm. Con số này trong năm 2010 là khoảng gần 180 túi và mục tiêu đặt ra đến năm 2025 sẽ là 40 túi trên một người.
Chính phủ Croatia chi mạnh tay cho dự án bảo vệ môi trường
Chính phủ Croatia ngày 2/3 thông báo sẽ đầu tư 600 triệu kuna (87,5 triệu USD) cho các dự án bảo vệ xử lý môi trường và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong năm 2015.
Bộ Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Croatia cho biết số tiền trên sẽ được cấp thông qua một quỹ quốc gia đặc biệt cho các dự án của các doanh nghiệp và các cá nhân với mức tài trợ tương đương 40-80% dự án, tập trung vào mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các tòa nhà, hiện chiếm tới 40% tổng lượng năng lượng tiêu thụ hàng năm của nước này. Bộ Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường ước tính các dự án trên cũng sẽ thu hút khoảng 1.500 tỷ kuna (218,7 triệu USD) đầu tư từ khu vực tư nhân và tạo thêm nhiều việc làm trong lĩnh vực xây dựng.
LHQ ra thông điệp mạnh mẽ nhân Ngày động vật hoang dã thế giới
Trong thông điệp nhân "Ngày động vật hoang dã thế giới" (3/3), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định việc buôn bán trái phép động vật hoang dã đã làm thoái hóa hệ sinh thái và cản trở nghiêm trọng các nỗ lực của cộng đồng trong việc quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Với chủ đề của ngày kỷ niệm năm nay là “Đã đến lúc phải nghiêm khắc với tội phạm buôn bán động vật hoang dã”, thông điệp của Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh việc chống lại loại tội phạm này không chỉ cần thiết cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững, mà còn đóng góp đảm bảo hòa bình và an ninh ở những khu vực nảy sinh xung đột từ các loại tội phạm này. Số liệu của Liên hợp quốc cho biết từ năm 2010-2012 đã có khoảng 100.000 cá thể voi châu Phi bị sát hại để lấy ngà. Số lượng voi rừng cũng giảm khoảng 62% trong khoảng thời gian từ năm 2002-2011. Theo CITES, trong năm 2014, chỉ tính riêng ở Nam Phi đã có 1.215 cá thể tê giác bị săn bắt, đồng nghĩa với việc cứ 8 giờ thì có một con tê giác bị giết hại.