Bình định: Nhiều cơ sở chế biến mực xà gây ô nhiễm nghiêm trọng

Hàng loạt cơ sở chế biến mực xà tự phát ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định liên tục xả thải trực tiếp ra hệ thống kênh mương và đầm Đề Gi gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, người dân kiến nghị các cấp chính quyền nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.


Thôn An Quang Tây và An Quang Đông (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) có hàng chục cơ sở sản xuất mực xà. Những năm qua, trong quá trình hoạt động, các cơ sở sản xuất mực xà này đã xả nước thải, chất thải sơ chế mực xà trực tiếp ra đầm Đề Gi mà không qua hệ thống xử lý khiến tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra trầm trọng. Bà H., một người dân sống gần đầm Đề Gi than thở: “Họ làm mực xà xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm trầm trọng. Trong khi đó, mùi mực xà khi phơi khô cũng bốc mùi khó chịu, người dân chúng tôi ở gần các cơ sở này không thở nổi. Mong chính quyền mau chóng có biện pháp giải quyết triệt để tình trạng này”.


Theo quan sát, lượng lớn chất thải từ mực xà thải ra đen ngòm, các chất thải từ vỏ ngoài, da và rác thải, bao nilon cũng thải trực tiếp đổ thẳng xuống đầm Đề Gi bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh cho biết, trên địa bàn bàn xã hiện có hơn 40 cơ sở chế biến mực xà. Các cơ sở này bắt đầu hoạt động từ năm 2017 trở lại đây và đều là hoạt động tự phát, gây ô nhiễm môi trường. UBND xã Cát Khánh đã nhiều lần tổ chức họp các hộ sơ chế mực xà thông báo về chủ trương và cho ký cam kết chấm dứt việc sơ chế mực xà; bổ sung nội dung bảo vệ môi trường, không sơ chế mực xà vào hương ước, quy ước của khu dân cư 2 thôn An Quang Đông và An Quang Tây. Đồng thời, các hội, đoàn thể xã Cát Khánh cũng đã tổ chức đến từng hộ gia đình vận động, tuyên truyền chấm dứt việc sơ chế mực xà, cho các hộ, hội, đoàn viên ký cam kết không thực hiện việc sơ chế mực xà.


Bên cạnh đó, UBND xã cũng thành lập tổ công tác liên ngành xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do sơ chế mực xà trên địa bàn xã; thành lập tổ chốt chặn phương tiện vận chuyển mực xà từ các địa phương khác vào địa bàn xã tại Công viên An Quang Tây, khu đất trống trước Đồn Biên phòng Cát Khánh, ngã 3 đường bê tông đi về Chánh Lợi và đường đi vào nghĩa địa An Quang Tây và tại tỉnh lộ 639 mới. Riêng Công an xã Cát Khánh cũng lập danh sách 9 xe đông lạnh có vận chuyển mực xà cho ký cam kết không vận chuyển, đậu đỗ bóc dỡ mực xà không đúng quy định.


“Chúng tôi đã tuyên truyền, thông báo chuyển đổi nghề cho các hộ dân nhưng đến nay vẫn chưa có người dân nào đăng ký chuyển đổi nghề. Các cơ sở sản xuất mực xà vẫn còn hoạt động. Nguyên nhân là do người dân địa phương thực hiện theo tàu 67 (tàu đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ), chủ yếu đánh bắt mực xà. Qua thời gian, số lượng mực xà đánh bắt được rất nhiều nên các cơ sở chế biến mực xà hoạt động ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ việc chế biến mực xà cao nên dù chính quyền xã đã tuyên truyền nhiều lần nhưng người dân vẫn lén lút hoạt động bất chấp ô nhiễm môi trường. Xã đã báo cáo, phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm do đây không phải là mặt hàng cấm”, ông Hiếu nói.


Vừa qua, cơ quan chức năng huyện Phù Cát và xã Cát Khánh đã tiến hành kiểm tra các cơ sở đang trong quá trình hoạt động sơ chế mực xà. Qua kiểm tra, đã phát hiện 15 cơ sở chế biến mực xà của 15 hộ dân đang xả nước thải chưa qua hệ thống xử lý nước thải thủy sản ra ngoài môi trường, chất thải sơ chế mực xà trực tiếp ra đầm Đề Gi, với lưu lượng nước thải nhỏ hơn 5m3/ngày mà không qua hệ thống xử lý theo quy định, gây ô nhiễm nước đầm Đề Gi. UBND xã Cát Khánh phối hợp với Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), thuộc Sở TN&MT tỉnh Bình Định lấy mẫu nước thải, chất thải sơ chế mực xà trực tiếp ra đầm Đề Gi để phân tích thử nghiệm. Qua đó đã tiến hành lấy mẫu 15 cơ sở đang trong quá trình hoạt động sơ chế mực xà, trong đó thôn An Quang Đông 5 hộ, thôn An Quang Tây 10 hộ.


Theo kết quả phân tích của Trung tâm Quan trắc TN&MT Bình Định, có từ 5-6 chỉ tiêu trong nước thải từ hoạt động sơ chế mực xà của 15 hộ dân này vượt từ 3-10 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản theo Thông tư số 77/2015/TT-BTNMT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của Bộ TN&MT. Ngày 30/6/2022, UBND huyện Phù Cát đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 hộ dân này. Tổng mức xử phạt các trường hợp 613 triệu đồng.


Hiện nay, lực lượng chức năng huyện Phù Cát, xã Cát Khánh đã tiếp tục phối hợp với Trung tâm Quan trắc TN&MT Bình Định lấy mẫu nước thải, chất thải sơ chế mực xà ở những hộ chế biến mực xà còn lại và đang tiến hành phân tích. Khi có kết quả, UBND huyện Phù Cát sẽ căn cứ trên kết quả này xử lý theo quy định pháp luật. “Địa phương đang tuyên truyền, vận động các hộ dân thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường. Huyện sẽ yêu cầu chấm dứt hoạt động nếu các hộ dân tiếp tục vi phạm”, ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát nói.


Nguồn: web: cand.com.vn/Ban-tin-113/nhieu-co-so-che-bien-muc-xa-gay-o-nhiem-nghiem-trong-i663686/