Chung tay bảo vệ môi trường Thủ đô

Ngày đăng: May 27, 2017 4:8:1 AM

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ ngày 20/5 - 31/7/2017, thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2017 (5/6). Đặc biệt, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường Thủ đô. UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị như: Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội; UBND các quận, huyện, thị xã; các sở, ban, ngành; các doanh nghiệp và người dân Thủ đô đồng loạt phát động và tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới một cách hiệu quả, có tính lan tỏa cao, huy động sự tham gia trực tiếp và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Các địa phương nâng cao vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư với các hoạt động bảo vệ môi trường.

Trong Tháng Hành động vì môi trường (tháng 6/2017), các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: phổ biến pháp luật nhằm nâng cao năng lực giám sát, phản biện và tham vấn của cộng đồng đối với hoạt động bảo vệ môi trường; phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”. Các quận, huyện ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước; tổ chức các lớp học phổ biến kiến thức về môi trường, lối sống xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng bền vững hệ sinh thái và tài nguyên đa dạng sinh học; trồng rừng, trồng cây xanh đô thị; trao đổi sản phẩm tái chế; ngày hội sống xanh. Các địa phương tổ chức hoạt động phổ biến, giới thiệu các mô hình tiên tiến về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hoạt động bảo vệ môi trường do người dân và cộng đồng tự khởi xướng. Cộng đồng lên án các hành động khai thác bừa bãi, phá hoại tài nguyên thiên nhiên, tạo dư luận và áp lực xã hội lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Các sở, ngành chức năng và các quận, huyện, thị xã, đơn vị trên đị bàn Hà Nội tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; trong đó, xác định và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết tốt các vấn đề môi trường. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; rà soát các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư phát triển đảm bảo thực hiện nghiêm túc mục tiêu “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”. Bên cạnh đó, các đơn vị tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân. Thành phố khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng như: công trình xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị và nông thôn; trồng cây xanh; thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu...

Đồng thời, các sở, ngành, các quận, huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; tập huấn, phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường cho cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là nhân sự làm việc tại các bộ phận có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hướng dẫn các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh rà soát, kiểm tra, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ô nhiễm môi trường, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường trong các hoạt động sản xuất kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội, trong đó có trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, thành phố Hà Nội đã không ngừng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. Thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các quy định bảo vệ môi trường; lồng ghép với nội dung thực hiện của các chương trình, nhiệm vụ năm 2015 và các năm tiếp theo đã được duyệt; đặc biệt là trong các sự kiện thường niên về môi trường được tổ chức trên địa bàn các quận, huyện và thị xã của thành phố.

Cùng với đó, thành phố ban hành chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường, trong đó có quy định các chính sách ưu đãi về giải phóng mặt bằng, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và tín dụng đối với các dự án đầu tư... UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích nhà đầu tư trong lĩnh vực môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố xây dựng chính sách pháp luật về quản lý chất lượng dịch vụ môi trường, chính sách hỗ trợ để giải quyết những vấn đề lớn, bức xúc về môi trường theo khung chính sách pháp luật về phát triển dịch vụ môi trường phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô.