Bộ TN-MT phản hồi thông tin khí thải Formosa Hà Tĩnh có dioxin/furan

Ngày đăng: May 01, 2017 8:48:21 AM

Trong những ngày vừa qua từ ngày 24/4/2017, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện tin đồn trong khí thải Lò luyện cốc của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) có chứa chất Dioxin/Furan; tin đồn này đã nhanh chóng lan truyền trên không gian mạng, thu hút nhiều người quan tâm, chia sẽ và bình luận.

Về nội dung này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp, với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia về môi trường và luyện thép trao đổi, thảo luận trên cơ sở khoa học và thực tiễn về khả năng phát thải Dioxin của ngành công nghiệp luyện gang thép nói chung và của FHS nói riêng. Tham khảo Hướng dẫn Môi trường – Sức khỏe - An toàn ngành sản xuất tổng hợp của Chương trình Tư vấn IFC tại Đông Nam Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin thông tin báo chí về nội dung này như sau:

1. Tổng quan về công nghệ luyện thép và khả năng phát thải Dioxin/Furan:

a) Công nghệ sản xuất thép trên thế giới: có 3 công nghệ chính là:

- Chu trình kín: nguyên liệu chính là quặng sắt/quặng thiêu kết, than coke cùng một số chất trợ dung như đá vôi, huỳnh thạch. Thiết bị công nghệ chính gồm: Băng thiêu kết, Lò luyện coke => Lò Cao => Lò chuyển thổi ôxy (BOF) => Đúc liên tục => Cán ra thép thành phẩm (công suất lớn, FHS sử dụng công nghệ này).

Chu trình hở: nguyên liệu chính là thép phế. Thiết bị công nghệ chính gồm: Lò điện hồ quang (EAF) => Đúc liên tục => Cán ra thép thành phẩm (Nhà máy công suất nhỏ, đầu tư vừa phải; FHS không dùng công nghệ này).

Chu trình luyện kim phi coke: nguyên liệu chính là quặng sắt chất lượng tốt được hoàn nguyên bằng than antracide hoặc khí thiên nhiên tạo ra sản phẩm gọi là quặng sắt hoàn nguyên trước/sắt xốp rồi đưa vào lò điện hồ quang hoặc lò cảm ứng tần số để nấu chảy, luyện thành thép => Đúc liên tục => cán ra thép thành phẩm (công suất nhỏ, vừa; đầu tư thấp; FHS cũng không sử dụng công nghệ này).

Theo thống kê của Hiệp hội Thép thế giới, năm 2015, cả thế giới sản xuất được 1,6 tỷ tấn thép thô (phôi thép). Trong đó, phân theo công nghệ sản xuất là: Chu trình kín sử dụng Lò chuyển thổi ôxy (BOF): 74,2%; Lò điện hồ quang (EAF): 25,2%; Lò Martin (OHF): 0,4%. Ở Việt Nam (năm 2016), tỷ lệ này là: BOF: 25%; EAF: 59,9%; Công nghệ khác (IF- lò Cảm ứng 15,1%).

b) Vấn đề phát thải Dioxin/Furan (PCDD/PCDF) ngành thép:

Dioxin/Furan có phát thải trong công đoạn Thiêu kết quặng sắt và Lò điện EAF.

- Lò EAE, nguyên liệu chính là thép phế, thường còn lẫn những tạp chất phi Clo hữu cơ không mong muốn như nhựa, than đá, các mê mảng điện tử từ đồ gia dụng tivi, tủ lạnh, máy giặt, bếp ga…khó có khả năng loại trừ hết. Khi nạp vào lò quá trình cháy xảy ra với sự có mặt tình cờ của Clo, ở nhiệt độ 250 – 750oC sẽ hình thành Dioxin/Furan đi theo khí thải, bụi lò vào hệ thống xử lý khí thải. Thống kê của EU cho thấy các lò điện EAF phát sinh Dioxin/Furan là 0,07- 9,0 µg I-TEQ/tấn thép lỏng (Chi tiết xin tham khảo tài liệu Dự án GF/VIE/08/005 về Hướng dẫn kỹ thuật “Áp dụng BAT/BEP nhằm giảm phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ phát sinh không chủ định (U-POP) trong sản xút thép bằng công nghệ EAF- Xuất bản 1/2012”- Chủ biên: M.Tech Chu Đức Khải).

- Luyện thép theo Chu trình kín có thể có phát thải Dioxin/Furan ở công đoạn Thiêu kết quặng sắt, do phải dùng than cám trộn với quặng sắt, đá vôi nung ở nhiệt độ 1.000 -1.100oC nên có thể phát sinh Dioxin/Furan trong khí thải (khoảng 0,15-16 µg I-TEQ/tấn quặng thiêu kết). Ngoài ra, tại Lò chuyển BOF sử dụng gang lỏng khoảng 90 % với nhiệt độ 1.400-1.500oC, khi thổi oxy để oxy hoá carbon trong gang, luyện thành thép thường phải sử dụng khoảng 10% quặng sắt chất lượng tốt hoặc thép phế sạch để làm nguội. Do sử dụng phần lớn nguyên liệu là gang lỏng nên phát thải Dioxin/Furan từ Lò chuyển BOF là rất thấp (khoảng 0,001 – 0,11 µg I-TEQ/tấn thép lỏng);

Như vậy, phát thải Dioxin/Furan trong công nghiệp sản xuất thép có phát sinh không chủ ý một lượng nhỏ Dioxin/Furan trong công nghệ Lò điện hồ quang (EAF) và công đoạn Thiêu kết quặng trong công nghệ luyện thép Chu trình kín; lượng phát thải Dioxin/Furan tại Lò chuyển (BOF) là rất thấp và không phát sinh từ công đoạn luyện cốc của Tổ hợp gang thép.

2. Công nghệ luyện gang thép của FHS

Tổ hợp gang thép của FHS sử dụng công nghệ sản xuất thép theo Chu trình kín như nêu trên; công nghệ sử dụng đã được các tổ chức có uy tín trên thế giới (Veolia của Pháp và Atkins của Anh) đánh giá là công nghệ mới, tiên tiến của EU và Nhật Bản, được đầu tư bài bản, quy mô lớn, sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới.

- Các công đoạn: luyện cốc, luyện gang, cán thép (cán dây, cán nóng, cán nguội) và các hạng mục công trình phụ trợ khác không phát thải Dioxin/Furan cũng như các Nhá máy luyện gang thép tương tự trên thế giới;

- Đối với công đoạn Thiêu kết quặng sắt của FHS đã lắp đặt và đang vận hành thử nghiệm là công mới, tiên tiến (nguyên liệu đầu vào gồm: quặng sắt nhập khẩu từ Úc, Braxin; chất trợ dung là dolomit, đá bạch vân và đá xà vân, đá vôi; cốc vụn và than gầy; vảy cán thép), thời gian từ khi nhập liệu đến khi ra quặng thiêu kết khoảng 25-76 phút (tùy thuộc vào lớp lớp liệu dày hay mỏn, độ thông khí của lớp liệu); nhiên liệu sử dụng cho thiêu kết quặng là khí COG sạch (thành phần gồm: CO, H2, CH4) đốt trên bề mặt và dùng quạt hút để hút dòng khí nóng xuống phía dưới (nhiệt độ đốt trên bề mặt là 1.100 – 1.150oC và dòng khí ra khỏi công đoạn thiêu kết có nhiệt độ từ 120-140oC), được xử lý bằng hệ thống lọc bụi tĩnh điện, có lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh để kiểm tra, giám sát;

Kết quả quả đo đạc và phân tích mẫu khí thải ống khói Xưởng Thiêu kết của FHS trong 02 ngày 17-18/02/2017 (đo 03 lần) do Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện cho thấy, nồng độ Tổng Dioxi/Furan là 0,361-0,388 TEQ ng/Nm3, nhỏ hơn nhiều Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép (QCVN 51:2013/BTNMT cho phép Tổng Dioxin/Furan tính theo TEQ nhỏ hơn 0,6 ng/Nm3).

- Đối với Lò chuyển thổi oxy (BOF) của FHS đã lắp đặt là công nghệ mới của Nhật Bản (thổi đỉnh bằng Ôxy và khuấy đáy bằng Nitơ) sử dụng 90% gang lỏng của Lò cao với nhiệt độ từ 1.400-1.500oC và sử dụng khoảng 10-12% thép phế sạch để làm nguội. Cũng như các Lò BOF tiên tiến khác trên thế giới, khả năng phát thải Dioxin/Furan từ lò BOF của FHS sử dụng thép phế liệu sách là rất thấp thấp và thấp hơn nhiều QCVN 51:2013/BTNMT cho phép.

3. Nhận xét và kết luận:

Với các thông tin khoa học nêu trên, hoàn toàn có đủ cơ sở khoa học để khẳng định tin đồn trên các trang mạng như nêu ở trên là không chính xác. Trong quá trình luyện thép của FHS có thể phát sinh ngoài chủ ý một lượng không đáng kể Dioxin/Firan từ công đoạn thiêu kết quặng sắt, tuy nhiên hoàn toàn có thể kiểm soát được quá trình phát thải này, cụ thể như sau:

- Để kiểm soát chặt chẽ việc phát thải Dioxin/Furan trong quá trình vận hành của FHS, Bộ Tài Tài nguyên và Môi trường đã và đang phối hợp chặt chẽ với Viện Công nghệ môi trường – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Quan trắc môi trường – Tổng cục Môi trường, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga – Bộ Quốc phòng, Tổ giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Hà Tĩnh, một số cơ quan khoa học và tổ chức quốc tế liên quan giám sát chặt chẽ, đo đạc và phân tích khí thải hàng ngày, bao gồm cả Dioxin/Furan của FHS theo Quyết định số 2604/QĐ-BTNMT ngày 09/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu FHS sử dụng quặng sắt chất lượng tốt, thép phế liệu sạch để làm nguội trong Lò BOF; sử dụng quặng chất lượng tốt và các vật liệu đầu vào sạch trong công đoạn thiêu kết, kết hợp với hệ thống xử lý khí thải đã lắp đặt để xử lý Dioxin/Furan đạt QCVN 51:2013/BTNMT theo quy định.

Theo: tinmoitruong.vn