Người dân xã nghèo "nhắm mắt" sử dụng nguồn nước bẩn

Ngày đăng: Jul 05, 2016 8:40:5 AM

Hàng trăm hộ dân ở xã Phước Gia, huyện miền núi Hiệp Đức (Quảng Nam) đang sống trong cảnh "khát" nước sạch vì nguồn nước dùng sinh hoạt hàng ngày ở đây đã bị nhiễm bẩn. Phước Gia là một xã nghèo ở huyện Hiệp Đức (Quảng Nam). Đa số người dân ở đây là người đồng bào Ca Dong, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của họ được lấy từ khe suối. Mấy năm trở lại đây, người dân trong xã buộc phải liều dùng nguồn nước bị nhiễm bẩn.

Theo một số hộ dân nơi đây, bao quanh các khe suối trên địa bàn xã là một nông trường cao su. Thuốc diệt cỏ, hóa chất thải độc hại từ nông trường đổ dồn về khe suối. Ám ảnh vì nguồn nước sinh hoạt bị “đầu độc”, nhiều gia đình tại Phước Gia còn rơi vào tình trạng khốn đốn vì phải bỏ số tiền quá lớn để mua nước sạch sử dụng.

Do thiếu nước, giá nước đắt đỏ nên việc sử dụng nước sạch của từng gia đình cũng được tiết kiệm tối đa. Thiếu nước sạch, hàng trăm gia đình đành phải sử dụng cả nguồn nước bị bẩn bất chấp dịch bệnh có thể "tấn công". Việc dùng nước bị bẩn đã dẫn đến việc nhiều người dân trong xã, đặc biệt là trẻ con có hiện tượng bị ngứa, nổi mẩn. Bà Hồ Thị Giang (55 tuổi, xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức) cho biết: “Cả mấy thôn chúng tôi hiện nay đều dùng chung một cái giếng mới được xây dựng, nhưng vị trí cái giếng nằm gần cột thu lôi nên nguồn nước cũng bị nhiễm sắt. Ở cả xã này hầu như nguồn nước đều bị bẩn hết cả, giờ chúng tôi không biết lấy nước đâu ra mà sinh hoạt nữa”.

Bên cạnh việc chịu đựng cảnh dùng nguồn nước bẩn, người dân ở đây còn đối mặt với nỗi lo thiếu nước. Bà Nguyễn Thị Noàn (60 tuổi, xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức) cho hay, nếu không dùng nguồn nước bẩn thì không thể duy trì cuộc sống hàng ngày. Người dân ngày nào cũng bắt vòi để dẫn nước từ sông suối về, biết nước bẩn nhưng cũng đành chịu.

Năm 2007, chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã miền núi đặc biệt khó khăn, đã xây dựng cho xã Phước Gia một công trình hệ thống nước tự chảy. Tuy nhiên, công trình này được đưa vào sử dụng một thời gian ngắn thì bị bỏ hoang, từ đó nguồn nước sạch cạn kiệt.

Trả lời PV, ông Trần Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Phước Gia cho biết, theo chính sách hỗ trợ của nhà nước, nếu đào giếng bơm sẽ được hỗ trợ 1,3 triệu đồng. Tuy nhiên, để đào một cái giếng phải mất hơn 6 triệu đồng, trong khi điều kiện kinh tế của người dân khó khăn, không đủ tiền đóng góp. "Chính quyền địa phương vẫn đang khuyến khích người dân sử dụng mạch nước ngầm từ giếng để sinh hoạt, tránh các nguy cơ ngộ độc hay bệnh tật”. - Ông Thanh nói.