Xác định khả năng ô nhiễm thạch tín trong nước ngầm

Thạch tín (As) là một chất rất độc đối với sự sống, chỉ một lượng nhỏ 0,1g đã có thể gây chết người. Quá trình tích tụ lâu dài As trong cơ thể sẽ gây nên các chứng bệnh sạm và ung thư da, các bệnh hiểm nghèo về gan, não và đường tiêu hoá. Giới hạn cho phép hàm lượng As trong nước uống, sinh hoạt là 0,50 ppm (0,50mg/l).

Theo kết quả các cuộc khảo sát của bộ tài nguyên và môi trường thì nguồn nước ngầm tại một số khu vực của nước ta đang có hàm lượng kim loại nặng rất cao vượt mức cho phép và đặc biệt phổ biến hơn là hàm lượng Asen trong nước ở một số nơi còn đang ở mức báo động đe doạ trực tiếp đến sức khoẻ của người dân.

Trên thế giới, người ta đã thấy sự ô nhiễm As trong nước ngầm gây nên các căn bệnh hiểm nghèo xảy ra ở Mỹ, Chi-Lê, Hung-ga-ri, Mê-xi-cô, Thái Lan… và đặc biệt ở châu thổ sông Ganger – Băng-la Đét, sông Bengan - Ấn Độ, nước ngầm trong trầm tích đệ tứ (ở độ sâu 20-50m) đã bị ô nhiễm nặng As trên diện rộng mà nguyên nhân đã được khẳng định là do thượng nguồn các con sông này là vùng cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) có nhiều khoáng chất chứa As. Hiện tượng này đã gây ra sự nhiễm độc cho khoảng 200.000 người ở Tây Bengan (Ấn Độ) và ước tính có khả năng 35 triệu dân Băng-la Đét uống nước bị nhiễm As.

Sông Hồng và sông Cửu Long ở nước ta cũng bắt nguồn từ phía Nam vùng cao nguyên Tây Tạng, việc dự đoán về khả năng ô nhiễm As trong nguồn nước tại châu thổ hai con sông này chủ yếu do yếu tố tự nhiên từ khoáng vật chứa As ít nhiều là có cơ sở. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự đoán.

Trong năm 2000, ở Hà Nội nổi lên vấn đề lo ngại về hàm lượng As đã vượt quá xa giớii hạn cho phép trong nước ngầm ở khu vực Quỳnh Lôi và một số giếng nước tầng nông phía Tây Nam Hà Nội. Cũng trong năm 2000, nguồn nước ngầm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng có hiện tượng ô nhiễm nặng As.

Hiện nay, việc khảo sát sự có mặt ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu, chưa mang tính hệ thống và còn quá ít cơ sở dữ liệu để đánh giá và kết luận. Tại cuộc Hội thảo quốc tế về khả năng ô nhiễm As ở Việt Nam được tổ chức năm 2000, sau khi phân tích những giả thuyết và xem xét một lượng chưa nhiều số liệu đã có về hàm lượng As trong nước ngầm ở một số điểm thuộc khu vực Tây Nam Hà Nội và một vài vùng lân cận, hội thảo chưa đi đến một kết luận cụ thể nào về khả năng bị ô nhiễm, mà chỉ nêu ra một cảnh báo ban đầu, một khuyến nghị cần thiết cho một chương trình đầu tư nghiên cứu nghiêm túc và có hệ thống về khả năng rủi ro ô nhiễm As có thể xảy ra trong môi trường ở Việt Nam.

Từ năm 1982, Liên đoàn địa chất Thuỷ văn - Địa chất công trình miền Nam đã tiến hành khoan hàng loạt giếng sâu ở rải rác khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và khu vực TP Hồ Chí Minh. Qua phân tích thành phần hoá học cũng như đánh giá chất lượng nước, trong đó có việc xác định hàm lượng As bằng phương pháp quang phổ hấp thụ phân tử (phương pháp có độ nhạy và chính xác cao) của rất nhiều mẫu nước thì thấy hàm lượng As đều nhỏ hơn giới hạn cho phép (chỉ khoảng 0.001-0.025ppm). Điều này chứng tỏ nước ngầm trong các tầng ở khu vực này chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm As.

Tuy nhiên, đối với nước mặt, phân tích mẫu nước ngầm ở tầng nông thôn và đặc biệt trong hàng trăm ngàn giếng nhỏ của nhân dân đang khai thác sử dụng ở rộng khắp các tỉnh, thành phố thì hàm lượng As trong nước lại chưa được phân tích xác định và nghiên cứu nhiều.

Để có cơ sở đánh giá và luận về chất lượng nước nói chung cũng như kết luận về sự ô nhiễm As ở tầng nông, cần thiết phải có một chương trình khảo sát trên diện rộng, nghiên cứu và quan trắc một cách hệ thống về sự ô nhiễm As trong nước, cũng như trong lớp trầm tích, khoanh vùng những khu vực có hàm lượng As cao. Trong trường hợp tầng nước ngầm phía trên và nước mặt bị nhiễm As thì phải có biện pháp để xử lý loại bỏ As ra khỏi nước trước khi sử dụng. Đây chính là nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho các nhà khoa học và cơ quan quản lý, nhằm bảo vệ lâu dài sức khoẻ cộng đồng.