Nguồn nước mặt đang bị ô nhiễm nặng tại Hậu Gian

Theo kết quả quan trắc mới đây của ngành chức năng, nguồn nước mặt trên nhiều tuyến kênh rạch ở tỉnh Hậu Giang đang bị ô nhiễm nặng, trong đó có nơi độ đục tăng cao gấp 4 lần, ô nhiễm hữu cơ, vi sinh đang có chiều hướng gia tăng, đe dọa đến nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước, cũng như nước sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân sinh sống trên địa bàn.

Cụ thể, nguồn nước mặt trên các sông, kênh, rạch chính của tỉnh hiện nay qua công tác giám sát môi trường có dấu hiệu ô nhiễm ngày càng tăng, nhất là các thông số TSS và Coliforms. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động sản xuất của các công ty, doanh nghiệp, hoạt động sinh hoạt và sản xuất của dân cư trong khu vực. Tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, thương mại - dịch vụ phát triển như thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy, xu hướng ô nhiễm đang ngày càng gia tăng. Ngoài ra, tại những nơi vừa đô thị hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển như huyện Châu Thành, Châu Thành A, thì dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, vi sinh trong nguồn nước mặt cũng đã xuất hiện.

Gần đây, hiện tượng xâm nhập mặn của nước biển do sự nóng lên của trái đất đang ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu sử dụng nước ngọt của người dân để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Vào lúc đỉnh điểm, có nơi nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng hàng chục km, độ mặn cao nhất đo được hơn 10‰. Điều lo lắng hiện nay, chất lượng nước trên kênh xáng Xà No bị ô nhiễm nặng, khiến các loài thủy sản trên sông chết hàng loạt.

Lo ngại hơn, kênh xáng Xà No là nơi cung cấp nguồn nước thô để Công ty cổ phần Cấp thoát nước Công trình đô thị Hậu Giang xử lý phục vụ cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm ngàn hộ dân.

Ông Dương Văn Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước, Công trình đô thị Hậu Giang cho biết: Hiện nay, chất lượng nước mặt ở kênh xáng Xà No thường không ổn định, nhất là vào mùa mưa, độ đục tăng cao gấp 4 lần so với bình thường. Trong khi, đây là nguồn nước chính để công ty lấy phục vụ sinh hoạt cho hàng trăm ngàn hộ dân ở thành phố Vị Thanh và vùng lân cận. Nếu không có biện pháp quản lý cũng như sự quan tâm của các cấp, các ngành, về lâu dài nguồn nước thô này sẽ không còn sử dụng được. Ông Thọ cho biết thêm, hiện nay nguồn nước của dòng kênh xáng Xà No khu vực thành phố Vị Thanh giảm chất lượng rất nhiều. Do đây là tuyến kênh độc đạo, hàng ngày có rất nhiều ghe tàu chạy qua, trong khi nguồn nước thải của người dân, nhà máy xả trực tiếp ra kênh này. Tỉnh cũng đã có khảo sát một vài điểm để chuyển nhà máy đi nơi khác nhưng đang gặp nhiều khó khăn, chưa chọn được vị trí, nơi có nguồn nước sạch.

Cùng với ô nhiễm nguồn nước mặt, gần đây việc khai thác nguồn nước ngầm tùy tiện, không thăm dò khai thác và việc không trám lấp khi không còn sử dụng hoặc trám lấp không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật tại hộ gia đình, sẽ dẫn đến nguy cơ thông tầng nước ngầm. Các chất ô nhiễm từ phía trên sẽ ngấm xuống các tầng nước ngầm thông qua các lỗ khoan không trám lấp hoặc trám lấp không đảm bảo kỹ thuật, hòa tan vào nguồn nước làm ô nhiễm nguồn nước dưới đất, thể hiện qua thông số N-NH3 tại tất cả các tầng đều vượt quy chuẩn.

Đặc thù là vùng sông nước, Hậu Giang là địa phương có hệ thống sông ngòi chằng chịt, diện tích nước mặt toàn tỉnh ước tính 11.500 ha. Hiện nay, bình quân lượng nước mặt được khai thác khoảng 200.000 m3/ngày đêm để phục vụ các hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Thời gian qua, tình trạng khai thác nguồn nước tùy tiện đã ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước mặt tự nhiên, nhiều nơi có dấu hiệu ô nhiễm nặng, đe dọa nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên nước trên địa bàn.