Cần chung tay phản đối kế hoạch buôn bán sừng tê giác “hợp pháp hóa”

Ngày đăng: May 22, 2016 3:29:4 AM

Tê giác Việt Nam giờ chỉ còn tồn tại trong sách vở hay tem cổ, khi cá thể tê giác tự nhiên cuối cùng còn sót lại của Đông Dương sống ở Vườn Quốc gia Cát Tiên bị bắn chết trong tình trạng sừng bị cắt, xác đã thối rữa vào năm 2010. Tuy nhiên, để bảo vệ loài tê giác trên thế giới, Việt Nam còn cơ hội thể hiện trách nhiệm bằng cách thúc đẩy quá trình thực thi pháp luật, đấu tranh với nạn buôn bán trái phép và xóa bỏ quan niệm sai lầm về sử dụng sừng tê giác.

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), trong vài năm gần đây, một nhóm doanh nhân Nam Phi được hưởng lợi từ hoạt động du lịch săn bắn tê giác đã tích cực “vận động hành lang” để buôn bán sừng tê giác trở thành một hoạt động hợp pháp. Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 2016 diễn ra vào cuối tháng 9 tới tại Nam Phi sẽ tiến hành bỏ phiếu nhằm quyết định “số phận” của các loài tê giác. Mới đây, Nam Phi đã quyết định bãi bỏ đề xuất hợp pháp hóa sừng tê giác trong phạm vi quốc gia này, trong khi quốc gia láng giềng Swaziland lại vừa đưa ra kế hoạch hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên nhận định, việc mở đường cho hoạt động buôn bán sừng tê giác hợp pháp ở Việt Nam sẽ là một “thảm họa” đối với tê giác trong tự nhiên. Việc buôn bán sừng tê giác cung cấp cho thị trường Việt Nam có nguồn gốc từ các cá thể tê giác bị giết hại ở Nam Phi. Vì lợi nhuận khổng lồ, không ít người Việt Nam đã bị bắt tại Nam Phi vì tham gia vào các hoạt động săn bắn trái phép và buôn lậu sừng tê giác vào thị trường đen tại Việt Nam. Ước tính đã có 1.215 cá thể tê giác bị giết hại trái phép trong năm 2014 và 1.175 trong năm 2015 để lấy sừng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Từ 1/3/2015 đến 31/3/2016, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ghi nhận được 23 trường hợp vi phạm liên quan đến sừng tê giác, bao gồm 17 vụ săn bắt và buôn lậu và vi phạm thương mại, 8 vụ quảng cáo trên mạng và 1 vụ tàng trữ sừng tê. Trong đó, 7 trường hợp vi phạm đã ghi nhận nhiều đối tượng bị nghi là tham gia vào đường dây buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp tại Việt Nam. Ngoài ra, có 3 trường hợp vi phạm được ghi nhận mà đối tượng là công dân Việt Nam bị bắt tại Mozambique, Cộng hòa Congo và Unganda với sừng tê giác.

Việt Nam được cho là một trong hai thị trường chính tiêu thụ sừng tê giác trên thế giới. Sừng tê giác được dùng làm thuốc chữa bệnh theo y học cổ truyền. Kinh tế phát triển nhanh chóng cùng mức sống của người dân được nâng cao từ cuối thập niên 90 đã làm gia tăng nhu cầu sử dụng các loại thuốc cổ truyền có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Chỉ cách đây hơn 10 năm, rất nhiều người không có đủ khả năng chi trả cho những món hàng từ động vật hoang dã đắt đỏ nhưng giờ đây họ có thể dễ dàng mua bán cao hổ, mật gấu, vẩy tê tê và sừng tê giác. Những lời đồn thổi về tác dụng thần kì của các sản phẩm từ động vật hoang dã và sự tuyệt vọng trước bệnh tật đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ và gây ra nạn thảm sát tê giác, đẩy nhiều loài tới bờ vực tuyệt chủng. Theo điều tra của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, năm 2011 - 2012, nhiều người Việt Nam tin rằng sừng tê giác có khả năng giải độc, giải nhiệt, hạ sốt, tăng cường sức khoẻ và phòng ngừa bệnh tật. Sừng tê giác cũng được đồn thổi là có thể chữa ung thư hay giảm các tác dụng phụ trong điều trị ung thư.

Ngoài ra, việc sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam còn được xem như cách để thể hiện đẳng cấp cá nhân của một số người muốn phô trương bản thân bằng việc tiêu thụ các sản phẩm quý hiếm, đắt đỏ và “khác người” như sừng tê giác.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng, có thể khẳng định số người sử dụng sừng tê giác hiện nay ở Việt Nam vẫn rất thấp. Đây là nhận định hợp lý nếu xét tỷ lệ tương ứng khá nhỏ giữa thị trường tiềm năng sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam và số lượng tê giác bị giết hại mỗi năm. “Hợp pháp hóa” buôn bán sừng tê giác đồng nghĩa với việc người dân có thể dễ dàng tiếp cận các “nguồn cung” sẵn có và công khai, do đó có thể khiến số lượng người sử dụng sừng tê giác gia tăng mạnh mẽ hơn.

Chung tay bảo tồn các loài tê giác

Hiện nay, Việt Nam và cộng đồng quốc tế đang tích cực chung tay chống lại nạn săn bắn tê giác ở châu Phi và giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng chấm dứt nạn thảm sát tê giác để lấy sừng đòi hỏi một cách tiếp cận với hai hướng. Một mặt, cần tăng cường các hoạt động thực thi pháp luật đấu tranh với nạn buôn bán, vận chuyển trái phép sừng tê giác từ châu Phi vào thị trường Việt Nam. Mặt khác, cần phải triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhằm xoá bỏ các quan niệm sai lầm và những lời đồn thổi về tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên và rất nhiều các tổ chức bảo tồn quốc tế kịch liệt phản đối kế hoạch “hợp pháp hóa” buôn bán sừng tê giác và kêu gọi Chính phủ Việt Nam và các quốc gia khác bỏ phiếu phản đối kế hoạch này.

Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp nghiêm cấm vận chuyển sừng tê giác vào Việt Nam nếu không có giấy phép hợp lệ. Sừng tê giác hợp pháp chỉ được dùng cho trưng bày và không được phép buôn bán vì mục đích thương mại. Sự tồn tại đồng thời của thị trường sừng tê giác hợp pháp và bất hợp pháp cũng sẽ là một trở ngại lớn đối với các cơ quan thực thi pháp luật. Bởi lẽ, họ sẽ phải đối mặt với công việc hết sức khó khăn là phân biệt sừng tê giác hợp pháp và bất hợp pháp. Điều này làm suy yếu nỗ lực loại bỏ hoạt động buôn bán bất hợp pháp và tạo điều kiện cho các đường dây buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp hoạt động mạnh dẫn đến gia tăng nhanh chóng tình trạng săn bắn trái phép sừng tê giác trong tự nhiên.

Trong 3 năm gần đây, bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, các hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng đã được thực hiện. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên hợp tác với Chính phủ đặt các bảng thông tin khuyến khích cán bộ công viên chức nhà nước không tiêu thụ sừng tê giác tại lối vào và sảnh tại 78 cơ quan. Bốn đoạn phim ngắn truyền thông được sản xuất nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam. Trong đó, có đoạn phim cho người xem thấy sự thật của nạn thảm sát tê giác và hậu quả nghiêm trọng của việc tiêu thụ sừng tê giác; có những đoạn phim hài, chế giễu hành vi sử dụng sừng tê giác để thể hiện đẳng cấp cá nhân của một số người. Đồng thời, tranh thủ tiếng nói của các chính trị gia uy tín và người nổi tiếng cũng như hợp tác với các hiệu thuốc đông y nhằm giảm thiểu tối đa nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác…