Tháo gỡ dứt điểm ô nhiễm trong lĩnh vực dệt nhuộm

Ngày đăng: Nov 03, 2019 8:51:55 AM

Dệt nhuộm là ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là nước thải và ô nhiễm mùi. Để có thể tận dụng cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do đem lại, thâm nhập vào các thị trường nước ngoài tiềm năng, dệt may Việt Nam phải tháo gỡ dứt điểm vấn đề ô nhiễm trong lĩnh vực dệt nhuộm, hướng tới sản xuất xanh sạch.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 177 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong lĩnh vực nhuộm in hoa và xử lý hoàn tất vải, 66 dây chuyền in hoa, 193 dây chuyền nhuộm liên tục, 750 nhà máy nhuộm gián đoạn và khoảng 100 thiết bị nhuộm dạng sợi. Ước tính, lượng hóa chất các loại sử dụng trong các DN dệt nhuộm khoảng 500kg-2.000kg/tấn sản phẩm, bao gồm cả hóa chất dạng vô cơ và hữu cơ là axit, kiềm, dung môi và các loại muối khác nhau. Theo nhận định của Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Phan Quỳnh Chi: Phần lớn DN trong lĩnh vực dệt nhuộm có quy mô vừa và nhỏ nên chỉ chú trọng tới việc làm sao tiêu thụ được sản phẩm. Do vậy, DN khá thụ động với công tác quản lý hóa chất, chỉ khi sự cố xảy ra DN mới quan tâm đến công tác này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã triển khai nhiều chính sách về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, như: Yêu cầu xử lý và quan trắc nước thải, xây dựng tiêu chuẩn xả thải mới... Tuy nhiên, ít công ty dệt nhuộm làm được bởi để đạt tiêu chuẩn này, nhà máy phải có hệ thống xử lý nước thải dệt nhuộm hiện đại và công suất lớn. Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ TN&MT, thực tế hầu hết các dây chuyền nhuộm, kể cả những dây chuyền hiện đại mới đầu tư đều chưa được quản lý và khai thác công nghệ tương xứng với tính năng thiết bị. Hơn thế, số DN sử dụng dây chuyền công nghệ hiện đại, tự động hóa sau năm 2000 trở lại đây chỉ chiếm 10%-15%. Số DN sử dụng dây chuyền công nghệ thuộc thế hệ những năm 2000 chiếm tỷ lệ 55%-65% và sử dụng công nghệ thuộc thế hệ những năm 90 còn chiếm tỷ lê khá cao, khoảng 20%-30%. Thực tế này dẫn tới hệ quả các công ty dệt nhuộm không thể bảo đảm điều kiện về bảo vệ ô nhiễm môi trường. Đội ngũ nhân lực quản lý hóa chất trong ngành dệt nhuộm còn thiếu và không được đào tạo bài bản cũng là hạn chế trong phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất.

Người đứng đầu mỗi doanh nghiệp cần ý thức được tầm quan trọng của quản lý hóa chất

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào thế giới qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA). Những FTA mà Việt Nam tham gia ký kết đều có quy định cam kết bảo vệ môi trường, phát thải carbon thấp. Do đó, nếu không tuân thủ các điều khoản về bảo vệ môi trường, DN dệt may Việt Nam không thể có được khách hàng. Điều này đòi hỏi DN phải nỗ lực cải thiện không chỉ về chất lượng sản phẩm mà cả quá trình sản xuất ra sản phẩm.

Nhiều DN Việt Nam e ngại khi đầu tư công nghệ quản lý chất thải đòi hỏi số vốn rất lớn. Tuy nhiên, có thể thấy, khoản đầu từ này ban đầu có thể không nhỏ nhưng cần cân nhắc rằng phát triển bền vững là con đường dài hạn, khi DN đầu tư vào công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường cũng là cơ hội mang lại lợi nhuận cho DN và thể hiện trách nhiệm với xã hội. Người đứng đầu mỗi DN cần ý thức được tầm quan trọng của việc giảm phát thải ra môi trường, giảm tác động đến cuộc sống con người. Đây là cách phát triển bền vững để DN dệt may thâm nhập vào các thị trường tiềm năng. Về phía ngược lại, nhiều DN mong muốn Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích các DN dệt may sử dụng các công nghệ quy trình sản xuất sạch.

Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phó viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đề xuất, các DN cần phải có đánh giá hiện trạng sử dụng hóa chất cũng như đánh giá thực trạng việc cung ứng, thu mua hóa chất, rủi ro hóa chất, đánh giá tác động đến sức khỏe và an toàn lao động… Cùng với đó, cơ quan quản lý môi trường nên phổ biến các kỹ năng cơ bản cho DN nhằm giảm tác hại của hóa chất đến con người và môi trường bằng các biện pháp, như: Hướng dẫn DN sử dụng các dung môi và điều kiện phản ứng an toàn hơn; mở lớp đào tạo, hướng dẫn cho DN cách xác định hóa chất nguy hiểm và đánh giá đúng mức độ độc hại, nguy hiểm của hóa chất; phát triển các hóa chất và sản phẩm có thể phân hủy sau khi sử dụng, quan trắc và phân tích theo thời gian… Ngoài ra, Chính phủ cần có những chính sách quy định rõ ràng, minh bạch về tiêu chí công nghệ đầu tư đối với ngành dệt may; xây dựng các chương trình hỗ trợ DN lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó khi sự cố hóa chất xảy ra.

Bên cạnh đó, các chuyên gia môi trường cho rằng, phải quản lý chặt chẽ hơn nữa các cơ sở dệt nhuộm làng nghề. Bởi những cơ sở này thường có quy mô hoạt động nhỏ, không có hệ thống xử lý nước thải bài bản cũng như chưa ý thức hết về tác hại của nước thải dệt nhuộm ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường.

Nguồn: http://qdnd.vn (TRÀ MY)