Tình trạng ô nhiễm nguồn nước do các cơ sở chế biến tinh bột dong

Ngày đăng: Mar 20, 2016 8:52:10 AM

Tình trạng các cơ sở chế biến tinh bột dong, xả thải gây ô nhiễm môi trường nước và không khí đã diễn ra nhiều năm nay tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đáng nói là cho đến nay chính quyền địa phương và các cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột dong vẫn chưa có giải pháp nào cụ thể để khắc phục tình trạng trên.

Được người dân dẫn đường, chúng tôi có mặt tại một cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột dong tại xã Hua Păng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Mặc dù nằm ở khu vực đầu nguồn của một con suối, nhưng cơ sở này vẫn ngày đêm hoạt động và ngang nhiên xả thải ra môi trường. Bằng mắt thường, có thể dễ dàng nhìn thấy những dòng nước thải màu đen, sủi bọt chảy từ khu vực máy nghiền tinh bột ra các con mương nhỏ ven đường. Những dòng nước thải này đều không qua xử lý, được cho chảy trực tiếp vào những ao hồ đào sẵn ven dòng suối. Từ những ao chứa này, nước thải chảy ra các dòng suối và ruộng vườn của người dân xung quanh.

Được biết, cơ sở chế biến tinh bột dong này có khả năng thu mua và chế biến khoảng 10 tấn củ dong/ngày. Với công suất chế biến như vậy, lượng nước ô nhiễm thải ra môi trường khoảng 100m3/ngày. Đặc biệt, vào thời điểm từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm, khi cơ sở này hoạt động hết công suất, thì tình trạng ô nhiễm càng nặng nề hơn.

Tại đoạn hạ lưu của suối Áng, chảy qua xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, dòng nước trong veo vốn có nay đã đổi màu và nổi đầy váng đen. Nguyên nhân là do 3 cơ sở sản xuất tinh bột dong nằm ở đầu nguồn này thải nước ô nhiễm xuống dòng suối. Được biết, đây là dòng suối cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn. Thời gian qua, việc các cơ sở chế biến tinh bột dong xả nước thải ra môi trường đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 250 hộ dân các bản dọc theo con suối.

Ông Đặng Văn Xu, bản Co Phay, xã Tân Lập cho biết, từ khi có các cơ sở sản xuất tinh bột dong, nước ở dòng suối này đã biến thành màu đen, cá, tôm cua bị chết hết. Đặc biệt, khi trời mưa, mùi hôi từ dòng suối này lại bốc lên rất khó chịu.

Theo ước tính, để chế biến 1 tấn củ dong cần 5 đến 6 m3 nước và xả ra lượng nước thải tương đương cùng 600-700 kg vỏ bã. Như vậy, chỉ tính riêng 3 cơ sở sản xuất tinh bột dong kể trên, vào dịp cao điểm mỗi ngày thải ra môi trường 500-600 m3 nước cùng 60-70 tấn vỏ bã. Theo phản ánh của những hộ dân sống dọc suối Áng, trước đây bà con vẫn tắm và giặt giũ trên dòng suối, nhưng giờ nước suối có màu đen, bốc mùi khó chịu, không ai dám sử dụng nguồn nước này nữa. Ông Lò Văn Xinh, trưởng bản Nà Pháy, xã Tân Lập bày tỏ, chỉ cần đi ngang qua khu vực cạnh dòng suối đã ngửi thấy mùi hôi thối rồi, nên bà con không dám sử dụng nguồn nước ở đây nữa. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, sau đó đã có đoàn công tác xuống kiểm tra, nhưng đến nay vẫn không thấy trả lời và tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết. Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân huyện Mộc Châu, trên địa bàn hiện có 10 cơ sở chế biến tinh bột dong. Tình trạng các cơ sở chế biến này vi phạm các quy định về xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường diễn ra trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trong vùng. Mặc dù vậy, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp nào để chấm dứt tình trạng kể trên. Nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất né tránh, dừng hoạt động khi có sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Ông Hà Trung Chiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết, vấn đề các cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột dong gây ô nhiễm trên địa bàn chính quyền địa phương đã nắm được và thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, khi các đội kiểm tra của huyện xuống thì người ta dừng sản xuất, sau đó lại lại tiếp tục hoạt động. V ới các cơ sở vi phạm, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính, nhưng chế tài của Nhà nước đối với các hành vi này còn rất nhẹ, nên chưa có tính răn đe. Chính quyền địa phương muốn xử phạt nặng hơn, nhưng chỉ được thực hiện trong thẩm quyền. Thời gian tới, huyện Mộc Châu sẽ rà soát, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm cam kết bảo vệ môi trường, tăng cường giải pháp giám sát đối với các cơ sở này. Đồng thời, áp dụng các biện pháp như xử phạt hành chính và thu giữ thiết bị sản xuất nếu nhiều lần vi phạm. Tăng diện tích trồng dong riềng, tăng công suất chế biến tinh bột đã góp phần tăng thu nhập cho người dân và tạo việc làm cho nhiều lao động trong vùng. Nhưng, chính quyền và các ngành chức năng cần có những biện pháp cứng rắn để chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân nơi đây.