Phải quan trắc tự động tất cả các hồ chứa

Ngày đăng: Feb 26, 2017 9:56:44 AM

Phát biểu chủ trì cuộc họp triển khai nhiệm vụ của lĩnh vực tài nguyên nước trong năm 2017 và các năm tiếp theo diễn ra chiều 24/2, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Quốc hội rất quan tâm đến việc các chủ hồ chứa đều phải xây dựng phương pháp ứng phó với các sự cố như thế nào. Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tất cả các hồ chứa đều phải quan trắc tự động, phải có số liệu quan trắc số lượng, trữ lượng, lưu lượng dòng chảy…

Đồng chủ trì cuộc họp với Bộ trưởng có Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển và Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Tổng cục, các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ và các đơn vị của 3 đơn vị: Cục Quản lý tài nguyên nước (TNN), Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và Trung tâm Quy hoạch điều tra TNN Quốc gia.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị tập trung vào 2 vấn đề lớn đó là: giải quyết những vấn đề hết sức cấp bách và bên cạnh đó là chuẩn bị cho những kế hoạch dài hạn và quản lý một cách bài bản đồng bộ. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị phát huy sáng tạo, quản lý một cách đồng bộ, đề xuất những biện pháp, giải pháp một cách toàn diện trong lĩnh vực TNN. Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản lý TNN trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Bộ trưởng cho rằng nhiệm vụ quản lý TNN không chỉ là của các đơn vị trong lĩnh vực quản lý TNN mà tất cả các đơn vị có liên quan trong Bộ TN&MT, các bộ, ngành và các địa phương và doanh nghiệp đều có trách nhiệm này.

Bộ trưởng cũng đề nghị rà soát lại toàn bộ các nhiệm vụ, tư duy, nghiên cứu, suy nghĩ các vấn đề mà Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Bộ TN&MT đã ban hành để xem đâu là những công việc cấp bách ưu tiên, đâu là những công việc mà ngành TN&MT cần chủ trì rồi phối hợp, phân công với các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và có thể cả hệ thống các tổ chức chính trị, đoàn thể tham gia. “Nói như vậy để các đồng chí thấy hết trách nhiệm của mình trong quản lý TNN. Nếu chúng ta không làm tốt, tức là chúng ta chưa hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước Nhà nước và đặc biệt là với người dân…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cương quyết.

Sau khi chỉ ra hai tồn tại trong công tác này đó là thực tiễn đang tồn tại trong công tác quản lý TNN và các thức triển khai các công việc trong bảo vệ và sử dụng TNN, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Cục quản lý TNN phải xây dựng kế hoạch trong năm 2017 và các năm tiếp theo cho mình, cho các bộ ngành và địa phương trong công tác này. Trên cơ sở đó, có những việc cần tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương và cũng có những việc theo thẩm quyền của mình, Bộ trưởng sẽ phân công triển khai nhiệm vụ.

Bộ trưởng yêu cầu, quản lý TNN là bất cứ khi nào cũng có thể chỉ ra ở đâu đủ nước cho phát triển công nghiệp công nghệ cao, ở đâu có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ở đâu có thể làm du lịch… tức là cần có quy hoạch rõ ràng bao gồm rất nhiều vấn đề trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nguyên nước.

Từ đó, Bộ trưởng cho rằng, trong các nhiệm vụ của lĩnh vực TNN thì nhiệm vụ cấp bách, xác định ưu tiên đó là công tác quy hoạch. Và muốn có quy hoạch thì cần có số liệu điều tra cơ bản trong đó trả lời được các câu hỏi số lượng trữ lượng, chất lượng nước ở đâu và như thế nào.

“Tôi cho rằng, các yêu cầu như thống kê, kiểm kê, nắm vững cơ sở dữ liệu… để phục vụ công tác xây dựng các quy hoạch tài nguyên nước là những việc cấp bách mà các đồng chí cần hết sức quan tâm và phải làm ngay. Phải coi xây dựng các quy hoạch tài nguyên nước là ưu tiên số 1. Làm sao công tác này chỉ cần khoảng 3 năm tới là phải xong…” - Bộ trưởng đặt đề bài cho các đơn vị quản lý TNN nói riêng và các đơn vị có liên quan của ngành nói chung.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu nâng cao năng lực quan trắc, giám sát hệ thống nước mặt và nước ngầm, quan trắc trong nước, quan trắc xuyên biên giới. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị quản lý TNN phải phối hợp thông tin với các nước có chung biên giới để đưa ra những dự báo về nguồn nước quốc tế có tác động đến Việt Nam để đưa ra những cảnh báo kịp thời.

Đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch chủ trì mời Cục Quản lý TNN, Trung tâm KTTV Quốc gia, Tổng cục Môi trường là những đơn vị có cơ sở vật chất, bộ máy thường xuyên, đơn vị nào có cơ sở dữ liệu tốt thì chủ trì còn các đơn vị khác phối hợp để làm sao sớm có cơ sở dữ liệu. Khi có cơ sở dữ liệu đó, chúng ta có thể cảnh báo, hướng dẫn có các địa phương biết nơi này sẽ hạn hán như thế nào, cấp độ hạn hán ra sao, nơi kia sẽ ngập lụt ra sao… để các địa phương chủ động và theo Bộ trưởng, đó là những thông tin mang ý nghĩa rất lớn đối với tình hình phát triển kinh tế xã hội.

Về công tác điều tiết các hồ chứa trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết Quốc hội rất quan tâm đến việc các chủ hồ chứa đều phải xây dựng phương pháp ứng phó với các sự cố. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan yêu cầu các chủ hồ chức phải chịu trách nhiệm theo 11 quy trình quản lý liên hồ chứa đã ban hành. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tham mưu để ban hành văn bản yêu cầu tất cả các hồ chứa đều phải có số liệu quan trắc số lượng, trữ lượng, lưu lượng dòng chảy… qua hình thức quan trắc tự động đưa về Cục Quản lý TNN quản lý. “Có như vậy chúng ta mới có thể quản lý, giám sát được các hồ chứa để đảm bảo an toàn cho hạ du” - Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Cục Quản lý TNN đẩy mạnh công tác kiểm soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng nước khối lượng lớn để phát hiện những nguy cơ và đưa ra cảnh báo để các bộ, ngành, địa phương lên phương án phòng tránh trước những nguy cơ có thể xảy ra…