Ninh Sở (Thường Tín, Hà Nội): Tràn lan các doanh nghiệp hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường

Ngày đăng: Aug 26, 2017 8:13:18 AM

Từ nhiều năm nay, trên địa bàn thôn Sâm Dương 1 và thôn Đại Lộ, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Tp. Hà Nội xảy ra tình trạng các doanh nghiệp chế biến gỗ, cơ khí… hoạt động sản xuất vi phạm hành lang đê, xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Được biết, các doanh nghiệp trên hoạt động từ 2008, trong đó doanh nghiệp tư nhân Huyền Linh chuyên về bán các loại gỗ, và sản xuất, gia công nhà thờ gỗ 5 gian… được UBND tỉnh Hà Tây(cũ) cho thuê đất, tuy nhiên doanh nghiệp này hiện nay không sử dụng hết diện tích đất mà cho các đơn vị thuê lại một phần diện tích đất còn lại để sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tất cả nhà xưởng tại đây đều tự tý xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp trước sự làm ngơ của chính quyền địa phương và UBND huyện Thường Tín.

Bà P.T.S, 73 tuổi, người dân thôn Sâm Dương 1 bức xúc: “Chúng tôi sống ở đây thường xuyên phải hứng chịu khói bụi, mùi sơn PU từ quá trình sản xuất của các doanh nghiệp. Những ngày trời thoáng còn đỡ chứ những ngày mưa thì mùi khí thải nồng nặc, không tài nào chịu nổi. Nhất là những người già như chúng tôi hít phải khí thải của các doanh nghiệp thường xuyên bị đau đầu, mất ngủ. Từ khi các doanh nghiệp hoạt động nhà tôi phải thay bằng cửa kính để ngăn mùi, bụi chứ không thì ngộp thở vì mùi sơn mất. Nhiều lúc tôi sang tận công ty để phán ánh nhưng họ chỉ dừng hoạt động được vài hôm rồi việc đâu lại vào đó, tiếp tục tra tấn chúng tôi.”

Trao đổi với phóng viên, anh Phạm Văn Tùng – Phó trưởng thôn Sâm Dương 1 cho biết: “Qua quá trình tiếp xúc cử tri chúng tôi thường xuyên nhận được ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường của các DN chế biến gỗ. Đặc biệt khi sơn PU, chúng tôi đã phải nhắc nhở họ phun vào buổi chiều để buổi sáng và buổi trưa cho người dân có thời gian nghỉ ngơi. Tôi cũng đã gửi ý kiến phản ánh của người dân lên Ủy ban xã mong sớm được giải quyết để bà con bớt khổ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.”

Đi thực tế, đứng trên đê tại khu vực thôn Sâm Dương 1 để “mục sở thị” những gì nhân dân phản ánh, chúng tôi thấy hàng nghìn mét vuông nhà xưởng mọc lên được xây dựng kiên cố, nhiều nhà xưởng mới hoàn thiện và đang treo biển “ cho thuê nhà xưởng” được xây dựng kiên cố ngay sát chân đê. Tại xưởng gỗ của Doanh nghiệp tư nhân Huyền Linh những làn khói màu đen, ngà vàng đang bốc lên ngùn ngụt, mùi hăng, khét, khó thở, tức ngực theo làn gió thổi trực tiếp vào khu dân cư.

Cũng theo ý kiến người dân địa phương cho biết: do các xe chở gỗ siêu trường, siêu trọng tham gia đi lại nhiều khiến mặt đê xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều hố “ tử thần” sâu hoắm, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Có những chuyến gỗ mấy chục tấn thì đường nào chịu nổi. Chủ các doanh nghiệp đều có quan hệ rất tốt với cán bộ xã nên chúng tôi có phản ánh họ đều che đậy hết. Ngoài ra, giám đốc DN Huyền Linh là ông Bảy còn cho các doanh nghiệp khác thuê lại đất mình được nhận thầu để làm nhiều ngành nghề khác như: cơ khí, kho bãi…

Hiện nay doanh nghiệp Huyền Linh đang lấn chiếm đất khu nghĩa trang của làng để mở rộng nơi chứa đựng, xưởng sản xuất và bên cạnh đó doanh nghiệp này đang xây một căn nhà kiên cố diện tích vài trăm m2 không có giấy phép và đang gấp rút hoàn thiện. Vậy công trình của doanh nghiệp Huyền Linh hiện nay xây dựng đã có giấy phép xây dựng chưa? Câu hỏi này xin gửi tới lãnh đạo xã Ninh Sở và UBND huyện Thường Tín trả lời.

Tại Điều 23: Luật Đê điều quy định phạm vi bảo vệ đê điều như sau: Hành lang bảo vệ đê được quy định: Đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng, 20 mét về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200 mét về phía biển đối với đê biển;

Vậy, với việc doanh nghiệp Huyền Linh và các doanh nghiệp tại khu vực thôn Sâm Dương 1 hoạt động xây dựng như hiện nay có vi phạm Luật Đê điều?

Chính quyền, cơ quan chức năng ở đâu?

Để có thông tin đa chiều về tình trạng các doanh nghiệp hoạt động xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường, vi phạm hành lang đê? Mặc dù trước đó phóng viên đã liên hệ làm việc với ông Bảo – Chủ tịch xã về làm việc nhưng tại buổi làm việc từ Chủ tịch và Phó chủ tịch đều bận đi họp và có cử cán bộ phụ trách về môi trường làm việc với phóng viên.

Theo ông Nguyễn Hữu Việt – Cán bộ môi trường xã Ninh Sở cho biết: “Trên địa bàn đê thôn Sâm Dương 1 có khoảng 10 đơn vị chuyên chế biến gỗ, sản xuất mây tre đan, sản xuất cơ khí… các doanh nghiệp đã hoạt động thì không thể tránh khỏi ô nhiễm môi trường, ngoài ra các doanh nghiệp trên hoạt động hiện nay không nằm trong quy hoạch làng nghề của xã mà làng nghề hiện nay được Thành phố và Huyện phê duyệt, quy hoạch tại thôn Bằng Sở.

Trong quá trình phối hợp cùng đoàn kiểm tra của Huyện và xã, chúng tôi nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp chỉ có hệ thống xử lý môi trường thô sơ, không đảm bảo để có thể xử lý triệt để bụi, khí thải. Vì vậy, vẫn có hiện tượng phát tán bụi, khí thải ra khu dân cư gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chúng tôi chỉ nhắc nhở họ trang bị các thiết bị để hạn chế ô nhiễm môi trường ra khu dân cư chứ chưa xử phạt hành chính. Ngoài ra, về thủ tục pháp lý môi trường, hợp đồng thuê đất các xưởng họ về thuê lại của người dân, và xã không lưu giữ các hồ sơ đó, mỗi khi phối hợp với đoàn kiểm tra của huyện thì trên huyện đều lưu giữ không gửi lại cho xã”

Để các doanh nghiệp hoạt động gây ô nhiễm trong thời gian dài mà không hề bị xử lý. Phải chăng đang có sự bao che, tạo điều kiện của cán bộ xã Ninh Sở và huyện Thường Tín. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan đến đâu trong vấn đề này?

Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong bài tiếp theo.

Nguồn: http://moitruong.net.vn